Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Lòng đố kỵ, ganh ghét !

Bình chọn:
{[['']]}


Chuyện kể rằng: Ngày xưa có hai người hàng xóm ganh ghét nhau. Mỗi người đều mang lòng ganh ghét nặng hơn thân thể họ. Họ luôn kình cãi, ẩu đả lẫn nhau. Người này luôn mong  người kia chết. Người kia luôn mong cho người này gặp hoạn nạn. Có thế, họ mới hả dạ, mới vừa lòng, mới ăn ngon, ngủ kỹ, mới thấy hạnh phúc cuộc đời.
Vào một hôm nọ họ sỉ vả nhau thậm tệ, dẫn đến ẩu đả nhau rất dữ. Thình lình một Quái Nhân không biết từ đâu xuất hiện, đứng chặn giữa hai người. Quái Nhân lưng gù như lạc đà, cổ thòng xuống sát đất, buộc cái đầu phải ngước lên để khỏi va xuống mặt đường. Mình mẩy Quái Nhân mụn nhọt hôi thúi, gớm ghiếc. Tóm lại, Quái Nhân trông khiếp đảm lắm.
Quái Nhân liền hét oang oang: “Hai gã chó chết kia. Lập tức ngừng đánh nhau. Ta là Quỷ Vương, không phải người thường. Ta cho chúng bay mỗi đứa một điều ước với điều kiện như sau: Điều ước ấy sẽ ứng cho mình và cùng lúc ứng gấp đôi cho người kia. Mau lên, suy nghĩ nhanh và ước lẹ lên. Ta không có thì giờ”.   
Vì ganh ghét nhau và đang đánh nhau, lập tức gã láng giềng thứ nhất ước: “Xin Quỷ Vương cho tôi đui một con mắt”. Thế là điều ước được thỏa mãn. Gã này liền đui một con. Và gã kia đui cả hai con.    
Gã kia tức quá, liền ước trả đũa: “Xin Quỷ Vương cho tôi gãy một cẳng”. Lập tức gã ta gãy một cẳng. Và gã kia gãy luôn hai cẳng.
Kết quả: Gã này bị đui một mắt và gãy hai cẳng. Gã nọ bị đui hai mắt và gãy một cẳng. 
Trước khi biến mất, Quái Nhân dặn rằng: “Những khiếm khuyết của cơ thể, chúng bay có thể tháo ra cho mượn lẫn nhau mà xài”.
Khi Quái Nhân đi rồi, gã mù hai mắt nói: “Anh cho tôi mượn một con mắt đi”. Gã kia trả lời: “Không được. Anh cho tôi mượn một cẳng trước, tôi sẽ cho anh mượn con mắt”. Họ nghi kỵ lẫn nhau, không ai dám cho mượn trước. Cuối cùng họ thống nhất trao đổi cùng lúc. Gã này mượn được con mắt gã kia, liền quăng mạnh con mắt mượn xuống mặt đường bể tan. Gã kia mượn được cái cẳng gã này, liền đập cái cẳng mượn vào gốc cây gãy vụn.
Kết quả cuối cùng như sau: Cả hai gã láng giềng đều mù hai mắt và gãy hai cẳng. Cuộc sống của họ rất tang thương.
Các con thân mến!
Trái nghịch với lòng tốt mà ba đã có dịp kể và phân tích cùng các con, đó là lòng ganh tị, ganh ghét. Lòng ghét quả thật tồi tệ. Con người mang lòng ganh ghét vào người là mang cả một địa ngục chất chứa bao khổ đau. Ghen tị là cảm giác tức tối với người khác vì những gì họ có hơn mình như tài sản, sự hiểu biết, sự thịnh vượng, lợi thế, hạnh phúc, ..v.v.

Ghen tị là những bất toàn, không bình an, tự phụ, cáu giận, sự lười biếng, lòng tham, thói phàm ăn và dục vọng mà mỗi người chúng ta cần kiểm soát và phải tránh. Khi không để cho sự ghen tị kiểm soát thì chúng ta có thể sống hạnh phúc hơn và làm vui lòng mọi người.
Đừng ghen tị, để cuộc sống đẹp hơn! Bởi vì ghen tị là một cảm xúc có thể dày vò con người với những giận dữ, thù ghét. Và nếu như bạn không thể hiểu được những nguyên nhân đằng sau lòng ghen tị của mình, bạn sẽ không bao giờ có được một cuộc sống hạnh phúc và hài lòng về cuộc sống mà đâm ra chán nản, than thân trách phận và trách luôn cả ông trời.
Nhà văn Balzac từng nói: “Người có tính ghen tị đau khổ hơn bất cứ một người bất hạnh nào, bởi hạnh phúc của người khác cộng với sự bất hạnh của mình làm cho ta đau khổ gấp nhiều lần”.
Những người bị hành hạ bởi tính đố kỵ đều ảnh hưởng xấu đến cuộc sống. Nó không chỉ thúc đẩy con người thực hiện các hành vi dại dột, mà còn gặm nhấm sức khỏe của người đó. Tinh thần và thể chất của bản thân người có tính ghen tị bị tổn hại, bị chìm ngập trong các cảm xúc tiêu cực: buồn bực, lo lắng, căm ghét, cảm giác tự ti khiến bạn mệt mõi cả thể xác lẫn tinh thần. Sự ganh ghét, đố kỵ phá hoại mối quan hệ giữa người với người. Vì ganh ghét, đố kỵ  mà hòa khí bị rạn nứt, đổ vỡ, sức mạnh đoàn kết và sự hợp tác của tập thể bị tổn thương. Lòng ganh ghét, đố kỵ còn cản trở con người phát triển tài năng, nội bộ lủng củng, mất đoàn kết, mọi người không sao sống thân thiện, hòa giải, thoải mái, chân tình với nhau, nhân tài sẽ không có môi trường thuận lợi để phát huy tác dụng.
Trong Sáng Thế Ký, chuyện Cain và Abel là một trường hợp điển hình.  Một ngày kia hai anh em dâng lễ vật cho Chúa. Cain làm ruộng, lấy thổ sản dâng cho Ðức Chúa Trời.  Abel chăn chiên, dâng một chiên con làm sinh tế cho Chúa.  Ðức Chúa Trời nhậm lễ vật của Abel mà không nhậm của Cain, vì thế Cain rất giận gằm mặt xuống.  Nhìn thấy thái độ đó, Ðức Chúa Trời  hỏi Cain: “Sao ngươi giận và sao ngươi gằm mặt xuống?  Nếu ngươi làm lành sao không ngước mặt lên?  Còn nếu không làm lành thì tội lỗi rình đợi trước cửa, thèm ngươi lắm; nhưng ngươi phải quản trị nó.” Con quái vật ganh tị trong Cain vùng đứng lên và Chúa bảo Cain phải chế ngự nó.  Nhưng rất tiếc Cain đã thất  bại không chế ngự nổi và khi hai anh em đang ở ngoài cánh đồng thì Cain bất thần xông đến giết em. 
Abel đã làm gì xúc phạm Cain? Hiển nhiên, hành động hung ác của Cain chỉ là vì ganh tị.
Vua Saul ganh tị với David, một thuộc hạ trẻ tuổi, chỉ vì một câu hát đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về.  Kinh Thánh ký thuật như sau: “Khi David đã giết được người Phi-li-tin trở về cùng đạo binh, thì các người nữ ở các thành Y-sơ-ra-ên đi ra đón Saul, hát múa, đánh trống cơm, gõ nhịp và reo tiếng vui mừng.  Những người múa đối đáp nhau rằng: Saul giết hàng ngàn, còn David giết hàng vạn! Saul lấy làm giận lắm, và các lời này không đẹp lòng người.  Người nói: Người ta cho David hàng vạn còn ta hàng ngàn, chỉ còn thiếu cho nó ngôi nước mà thôi!  Kể từ ngày ấy, Saul thường ngó Ðavít cách giận” (I Samuel 18:6-9).
David đã làm chi nên tội mà vua Saul muốn giết David?
Trong Tân Ước, Các nhà thông thái và phe Pha-ri-siêu không thể chịu nổi khi thấy quần chúng khắp nơi ùn ùn theo Chúa Giê-su, nghe Chúa giảng, tôn Chúa là tiên tri rồi tin Chúa là Ðấng Cứu Thế.  Và hơn thế nữa, khi dân chúng so sánh lời dạy và nhân cách Chúa với nhà cầm quyền Do Thái thì thấy thành phần mũ cao áo dài trong xã hội này chỉ là những chiếc thùng rỗng tuếch.  Giới lãnh đạo Do Thái không thể chịu nổi khi thấy ảnh hưởng của họ bị giảm dần trong khi danh tiếng Chúa Giê-su ngày càng dâng cao.  Chính lòng ganh tị đã khiến họ không còn nghĩ đến liêm sỉ hay niềm kiêu hãnh quốc gia khi mượn tay một tổng trấn ngoại bang của một đế quốc đang thống trị dân tộc giết Chúa Giê-xu.
Chúa Giêsu làm chi nên tội mà họ phải giết Chúa?
Các con thân mến !
Lòng đố kỵ là do ghen. Ghen thường đi liền với ghét. Đó là một trạng thái tâm lý của con người phản ánh những suy nghĩ tiêu cực được biểu hiện bằng cảm giác bất an, sợ hãi, lo lắng về một sự mất mát hoặc thua kém nào đó. Lòng đố tỵ có sức công phá cực mạnh, làm xói mòn mọi mối quan hệ. Người ganh tỵ luôn cảm thấy ghen ghét tất cả với những ai xinh đẹp hơn, giỏi giang hơn, tài ba hơn, hạnh phúc hơn, giàu có hơn, được người khác quý mến hơn,… Vì thế họ luôn bất an, cảm thấy khổ sở vì xung quanh có những người hơn họ, về phương diện này hoặc phương diện nọ. Họ luôn muốn mình hơn người khác không bằng cách tự vươn lên mà chỉ tìm cách “đè bẹp” người khác, sẵn sàng dùng thủ đoạn để kéo người khác xuống, lòng họ chứa đầy những ý đồ đen tối, có dịp là họ buông lời gièm pha, không ngần ngại “ngậm máu phun người”
Chính vì thế mà xin cho sự bình an yêu thương, vui mừng, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ (Ga-la-ti 5:22) giúp cho các con không còn có sự đố kỵ hay ghen ghét khi nhìn người hay nhìn việc. Mến chúc các con luôn tập sống trong khiêm nhường và mở rộng lòng ra với thế nhân. Hãy biết quan tâm đến những người bất hạnh hơn mình, luôn ý thức được giá trị của bản thân cùng với những gì mình đang có, thưởng thức cuộc sống của mình và nhớ là tuyệt đối không bao giờ so sánh một cách vô lý với người khác.


 Thương các con
Orange ngày 25 tháng 9, năm 2014
Ngoan-Thùy Dương
-St-