Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

Nhị Thập Tứ Hiếu

Bình chọn:
{[['']]}


NHỊ THẬP TỨ HIẾU

Nhị thập tứ hiếu (chữ Hán: 二十四孝 ) là một tác phẩm trong văn học Trung Hoa kể lại sự tích của 24 tấm gương hiếu thảo do Quách Cư Nghiệp (có sách ghi Quách Cư Kinh 郭居敬 , bính âm: Guō Jūjìng) vào thời nhà Nguyên. Ông nổi tiếng là một người con hiếu thảo, và sau khi cha mất ông đã xuất bản quyển này. Hầu hết các người con hiếu thảo là nam giới báo hiếu cho mẹ già. Các câu chuyện được kể lại xảy ra từ thời Thuấn Đế đến đời ông.

HAI MƯƠI BỐN TẤM GƯƠNG HIẾU


1.      Thuấn ( ): hiếu cảm động trời
2.      Hằng ( ): người con nếm thuốc
3.      Tằng Tham ( 曾参 ): mẹ cắn ngón tay, tim con đau xót
4.      Mẫn Tổn ( 闵损 ): nghe lời mẹ với quần áo đơn giả
5.      Trọng Do ( 仲由 ): vác gạo nuôi cha mẹ
6.      Đổng Vĩnh ( 董永 ): bán thân chôn cha
7.      Đàm Tử ( 郯子 ): cho cha mẹ bú sữa hươu
8.      Giang Cách ( 江革 ): làm thuê nuôi mẹ
9.      Lục Tích ( 陸勣 ): giấu quýt cho mẹ
10. Đường Phu nhân: cho mẹ chồng bú sữa
11. Ngô Mãnh ( 吳猛 ): cho muỗi hút máu
12. Vương Tường ( 王祥 ): nằm trên băng chờ cá chép
13. Quách Cự ( 郭巨 ): chôn con cho mẹ
14. Dương Hương ( 楊香 ): giết hổ cứu cha
15. Chu Thọ Xương ( 硃壽昌 ): bỏ chức quan tìm mẹ
16. Dữu Kiềm Lâu ( 庾黔婁 ): nếm phân lo âu
17. Lão Lai tử ( 老莱子 ): đùa giỡn làm vui cha mẹ
18. Thái Thuận ( 蔡順 ): nhặt dâu cho mẹ
19. Hoàng Hương ( 黄香 ): quạt gối ấm chăn
20. Khương Thi ( ): suối chảy cá nhảy
21. Vương Bầu ( 王裒 ): nghe sấm, khóc mộ
22. Đinh Lan ( ): khắc gỗ thờ cha mẹ
23. Mạnh Tông ( 孟宗 ): khóc đến khi măng mọc
24. Hoàng Đình Kiên ( 黄庭 ): rửa sạch cái pô đi tiểu của mẹ




(Diễn âm Quốc ngữ của Lý văn Phức)
Lý Văn Phức là người đã diễn ra quốc âm "Hai Mươi bốn Chuyện Hiếu" của Quách Cư Nghiệp . Lý Văn Phức tự là Lân Chi, hiệu là Khắc Trai, người làng hồ khẩu, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Hà Nội, sinh vào năm ất Tỵ (1785). Ông thi đỗ cử nhân vào năm 1819, niên hiệu Gia Long thứ 18. Ông trải ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Ðức.
Trong cuộc đời làm quan, ông bị nhiều lần thăng giáng, và được cử đi công cán nhiều nước ở Viễn đông. Vào năm 1849, ông bị bệnh mà mất, nhà vua liền cho truy thụ Lễ Bộ Hữu Thị Lang.
Trong tập sách nầy, chúng tôi xếp đặt theo từng câu chuyện trong Hai Mươi Bốn Chuyện Hiếu, của Nhà văn Quách Cư Nghiệp và được diễn bằng văn và thơ của cụ Lý văn Phức để giúp các em dễ học hỏi.


Vua Thuấn họ Diêu, tên hiệu là Thuấn, quốc hiệu là Đại Ngu, cha là Cổ Tẩu, (có mắt cũng như mù, vì không biết kẻ hay người dở, người đời bấy giờ mới tặng cho tên là Cổ Tẩu), mẹ đẻ mất sớm, mẹ kế là người ương gàn, em (cùng cha khác mẹ) là Tượng, tính lại hỗn xược, cha và mẹ kế cùng em ngày ngày chỉ kiếm cách để giết ngài đi; nhưng ngài vẫn một lòng trên hiếu với cha mẹ, dưới hòa cùng em, lòng hiếu cảm động đến trời, như khi cha ngài bắt ngài cày ruộng một mình ở núi Lịch Sơn, thì voi về cày ruộng, chim về nhặt cỏ. Khi sai ngài đánh cá ở hồ Lôi Trạch thì gió lặng sóng yên. Vua Nghiêu nghe tiếng, gọi gả hai con gái cho ngài và truyền ngôi cho ngài. Khi ngài làm vua, trong 18 năm chỉ ngồi gảy đàn, hát khúc Nam Phong mà thiên Hạ rất thái bình thịnh trị .
Ðức đại thánh họ Ngu, vua Thuấn,
Buổi tiềm long gặp vận hàn vi,
Tuổi xanh khuất bóng từ vi,
Cha là Cổ Tẩu người thì ương ương
Mẹ ghẻ tính lại càng khe khắt,
Em Tượng thêm rất mực điêu ngoa .
Một mình thuận cả, vừa ba
Trên chiều cha mẹ, dưới hòa cùng em.
Trăm cay đắng, một niềm ngon ngọt,
Dẫu tử sinh không chút biến dời,
Xót tình khóc tối, kêu mai,
Xui lòng ghen ghét hóa vui dần dần.
Trời cao thẳm mấy lần cũng đến,
Vật vô tri cũng mến lọ người,
Mấy phen non lịch pha phôi,
Cỏ, chim vì nhặt, ruộng, voi vì cày .
Tiếng hiếu hữu xa bay bệ thánh,
Mệnh trung dung trao chánh nhường ngôi
Cầm thi, xiêm áo thảnh thơi,
Một nhà đầm ấm, muôn đời ngợi khen.


Vua Văn Đế nhà Hán, tên là Hằng, con thứ vua Hán Cao Tổ, em vua Huệ Đế, mẹ là Bạc Hậu (vợ lẽ vua Hán Cao Tổ), trước phong là Đại Vương, tức là thân vương ở đất Đại bên ngoài, tính rất hiếu, sau Huệ Đế chết không có con nối nghiệp, các quan trong triều đón ngài về làm vua. Khi ngài đã làm vua rồi, Bạc Hậu bị ốm trong ba năm trời, ngài lúc nào cũng đóng mũ áo đai cân đứng hầu mẹ, thức suốt đêm không dám ngủ, thuốc thang dâng đến, ngài tự nếm trước rồi mới dâng cho mẹ xơi, vì sợ có thuốc độc. Dân gian thấy ngài hiếu thảo như thế, ai cũng bắt chước, mọi người đều hiếu thảo cả, thiên hạ rất thịnh trị, không kém gì đời tam đại (nhà Hạ, nhà Thương và nhà Chu ) ngày xưa.
Kìa Văn Ðế vua hiền Hán đại
Vâng ấn phong ngoài cõi phiên vương
Quên mình chức cả, quyền sang,
Phụng thờ Bạc Hậu lễ thường chẳng sai .
Ðến khi nối ngôi trời trị nước,
Vẫn lòng này săn sóc như xưa .
Mẹ khi ngại gió, kinh mưa,
Ba năm hầu hạ, thường như mọi ngày .
Mắt chong bóng dám sai giấc ngủ,
áo luôn mình dám sổ đai lưng.
Thuốc thang mắt xét, tay nâng,
Có tường trong miệng, mới dâng dưới màn.
Tiếng nhân hiếu đồn vang thiên hạ,
Thói thuận lương hóa cả lê nguyên.
Hai mươi năm lẻ kiền khôn,
Ðã sau Tam Ðại, hãy còn Thành, Khang.
ấy hay vị đế vương đời trước,
Chữ hiếu dành đá tạc, vàng in,
Còn ra sĩ, thứ, đấng hiền
Ðếm xem mấy kẻ tiếng truyền đến nay .


Tăng Tử tên là Sâm, tự là Tử Dư, người ấp Vũ Thành nước Lỗ, sinh vào thời Xuân Thu, là học trò vào bậc giỏi của đức Khổng Tử, sau được liệt vào bậc tứ phối (bốn ông phối hưởng với đức Khổng Tử). Ông thờ cha mẹ rất hiếu, bữa ăn nào cũng có rượu thịt. Khi cha mẹ ăn xong, còn thừa lại món ăn, ông hỏi cha mẹ bảo để cho ai, thì ông vâng theo lời mà cho người ấy. Một hôm ông đi vào rừng kiếm củi vắng, ở nhà có khách đến chơi, mẹ ông không biết làm thế nào cho ông về ngay, bèn cắn ngón tay mình, để cho động lòng con, quả nhiên ông ở trong rừng thấy quặn đau trong dạ, ông vội gánh củi về ngay.
Ðời Chu mạt có thầy Tăng Tử,
Thờ mẹ cha thời giữ chí thành,
Bữa thường rượu thịt ngon lành,
Cho ai, vâng cứ đinh ninh chẳng rời .
Nhà bần bạc thường vui hái củi,
Quãng mù xanh thui thủi non sâu,
Mẹ ngồi tựa cửa bóng sau,
Nhân khi khách đến, trông mau con về .
Rồi trong dạ nhân khi cùng túng,
Cắn ngón tay cho động lòng con.
Trong non bỗng chốc bồn chồn,
Quặn đau khúc ruột, bước dồn gót chân.
Quỳ dưới gối ghé gần thưa hỏi,
Lắng bên tai nghe giải nguồn cơn.
Cho hay từ, hiếu tương quan,
Non Ðồng khi lở, khôn hàn tiếng chuông.


Tên chữ là Tổn, sinh vào đời Xuân Thu, học trò đức Khổng Tử, mẹ ông mất sớm, cha ông lấy người vợ sau (tức là mẹ kế) sinh được hai con. Mẹ kế đối với ông rất cay nghiệt, nhưng ông vẫn thờ cha và thờ mẹ kế rất hiếu . Mùa rét, mẹ kế cho hai con mình mặc áo bông dày, cho ông mặc áo bằng hoa lau, chứ không có bông. Ông tuy thấy không đủ ấm, nhưng kgông hề nói gì. Một hôm ông đẩy xe cho cha đi chơi, vì rét quá cóng tay, rời tay xe ra. Cha ông suy xét mãi mới biết là ông bị mẹ kế để cho mặc rét, cha ông tức lắm định đuổi ngay người vợ kế đi, ông khóc và cố kêu van với cha, xin đừng đuổi mẹ kế, vì rằng: có mẹ kế thì chỉ một mình ông bị rét thôi, nếu đuổi mẹ kế đi thì cả ba anh em ông cùng phải khổ sở cả. Cha ông nghe lời ông không bỏ người vợ kế nữa. Người mẹ kế nghe biết chuyện, về sau đối đãi với ông rất tốt, thành ra một người mẹ hiền.
Thầy Mẫn Tử rất đường hiếu nghĩa,
Xót nhà huyên quạnh quẽ đã lâu .
Thờ cha sớm viếng, khuya hầu,
Chẳng may gặp phải mẹ sau nồng nàn.
Trời đương tiết đông hàn lạnh lẽo,
Hai em thời kép áo, dày bông,
Chẳng thương chút phận long đong,
Hoa lau nỡ để lạnh lùng một thân.
Khi cha dạo, theo chân xe đẩy,
Rét căm căm nên xẩy rời tay,
Cha nhìn ngẫm nghĩ mới hay,
Nghiến răng rắp cắt đứt dây xướng tùy .
Gạt nước mắt, chân quỳ, miệng gửi:
Lạy cha, xin xét lại nguồn cơn,
Mẹ còn, chịu một thân đơn,
Mẹ đi, luông để cơ hàn cả ba .
Cha trông xuống cũng sa giọt tủi .
Mẹ nghe lời cũng đổi lòng xưa,
Cho hay hiếu cảm nên từ,
Thấm lâu như đá cũng rừ lọ ai ?


Tử Lộ tên là Trọng Do, người ấp Biện, nước Lỗ, sinh vào đời Xuân Thu, là học trò đức Khổng Tử. Thờ cha mẹ rất hiếu, nhà nghèo, thường phải đi đội gạo đường xa trăm dặm về nuôi cha mẹ; bữa ăn không có thức ăn, phải ra vườn hái rau dền, rau muống về nấu canh cho cha mẹ ăn. Sau cha mẹ ông chết cả, ông mới đi sang nước Sở, được vua nước Sở dùng, cho làm quan sang, bổng lộc nhiều. Nghĩ đến công cha mẹ, ông lấy làm đau tủi, muốn lại được đi đội gạo và nấu canh rau để phụng dưỡng cha mẹ, thì không được nữa.
Thầy Tử Lộ cùng người nước Lỗ,
Thờ hai thân từng bữa canh lê
Thường khi đội gạo đi về,
Xa xôi trăm dặm, nặng nề hai vai .
Ðỉnh Hoa biểu từ khơi bóng hạc,
Gót Nam Du nhẹ bước tang bồng,
Xe trăm cỗ, thóc muôn chung,
Ngồi chồng đệm ghép, ăn chồng vạc cao .
Thân phú quý ngắm vào thêm tủi,
Ðức cù lao chạnh tới lòng đau,
Nào khi đội gạo, canh rau,
Muốn còn như cũ, dễ hầu được ru ?
Lòng thắc mắc nghìn thu vẫn để,
Biết bao giờ cam chỉ đền công.
Cho hay dạ hiếu khôn cùng,
Dẫu Tam Công chẳng đổi lòng thần hôn.


Diễm Tử sinh vào đời nhà Chu , thờ cha mẹ rất hiếu; cha mẹ tuổi già, mắt lòa, thèm uống sữa hươu, Diễm Tử lấy da hươu khô là áo mặc, giả làm hươu con, vào rừng lân la đến gần những con hươu mẹ để vắt lấy sữa. Một hôm gặp bọn người đi săn, tưởng là hươu con, dương cung toan bắn, Diễm Tử vội bỏ lốt hươu con ra và bày tỏ cho người đi săn biết, người ấy mới thôi không bắn nữa.
Chu Diễm Tử làm con rất thảo,
Chiều hai thân tuổi lão, niên cao,
Mắt trần khuất nguyệt, mờ sao,
Sữa hươu, người những ước ao từng ngày .
Vật khó kiếm khôn thay thường đổi,
Phải lo phương tìm tõi cho ra .
Hươu khô tìm lấy lột da,
Mặc làm sắc áo để hòa lẫn theo .
Chốn non thẳm tìm vào bầy lứa,
Sẽ dần dà lấy sữa nuôi thân,
Bỗng đâu gặp lũ đi săn,
Rắp buông cung bắn, khôn phân vật, người .
Ðem tâm sự tới nơi bày tỏ,
Chút hiếu tình nghe rõ không thôi,
Cho hay chung một tính trời,
Mảnh son cũng động được người vũ phu .


Lão Lai Tử người nước Sở, sinh vào đời Xuân Thu, đã 70 tuổi hãy còn cha mẹ. Ông thờ cha mẹ rất hiếu. Không muốn để cho cha mẹ thấy ông đã già mà lo buồn, ông thường mặc áo sặc sỡ, nhởn nhơ múa hát trước mặt cha mẹ, lại có khi ông bưng nước hầu cha mẹ, ông giả cách ngã, rồi khóc oa oa, làm như đứa trẻ lên 7 lên 3 vậy. Ý ông là cốt để làm cho cha mẹ lúc nào cũng vui vẻ trong lòng.
Lão Lai Tử đời Chu , cao sĩ,
Thờ hai thân chẳng trễ ngọt bùi,
Tuổi già đã đúng bảy mươi .
Nói năng chẳng chút hở môi rằng già .
Khi thong thả, mẹ cha ngồi trước,
Ghé gần vào bắt chước trẻ thơ,
Thấp cao điệu múa nhởn nhơ,
Xênh xoang màu áo, bạc phơ mái đầu .
Chốn đường thượng, khi hầu bưng nước,
Giả làm điều ngã trước thềm hoa,
Khóc lên mấy tiếng oa oa,
Tưởng chừng lên bảy, lên ba thuở nào .
Trên tuổi tác trông vào vui vẻ
áng đình vi, gió thụy mưa xuân
Cho hay nhân tử sự thân,
Trong trăm năm được mấy lần ngày vui .


Đổng Vĩnh sinh vào đời Hậu Hán, nhà nghèo, tính rất hiếu, cha chết không có tiền chôn cất, phải đến một nhà giàu ở làng khác, vay tiền công dệt non, hẹn sau sẽ dệt trả 300 tấm lụa. Khi vay được tiền về chôn cất cha xong rồi, định đi đến nhà giàu để dệt trả lụa, đi được nửa đường, thì gặp một người con gái xin kết làm vợ chồng, nhưng giao hẹn hãy cùng đi đến nhà giàu kia dệt lụa trả nợ đã, rồi mới về ăn ở cùng nhau. Khi đã dệt đủ 300 tấm lụa, trả nợ xong rồi, hai người cùng về, đến chỗ gặp nhau khi trước, thì người con gái ấy biến mất. Vì Đổng Vĩnh có lòng hiếu thảo cảm động đến trời. nên Trời sai tiên nữ xuống giúp.
Ðời Hậu Hán có người Ðổng Vĩnh,
Nhà rất nghèo mà tính rất thành,
Thấu chăng, chẳng thấu trời xanh,
Phụ tang để đó, nhân tình còn chi .
Liều thân thể làm thuê công việc,
Miễn cầu cho thể phách được yên.
Cực cười thay! nhẽ đồng tiền,
Ðem thân hiếu tử, băng miền phú gia.
Bỗng gặp kẻ đàn bà đâu đó,
Xin kết làm phu phụ cùng đi.
Lụa, ba trăm tấm dệt thuê,
Trả xong nợ ấy mới về cùng nhau.
Tới chốn gặp bỗng đâu thoắt biến,
Là tiên cô, Trời khiến giúp công.
Mới hay Trời vốn ở lòng,
Há rằng cao thẳm, nghìn trùng mà xa.


Quách Cự sinh vào đời nhà Hán, cửa nhà sa sút, thờ mẹ rất hiếu. Hai vợ chồng mới sinh được một đứa con lên 3 tuổi, ông thường thấy bữa ăn mẹ ông không dám ăn no, cứ bớt lại để phần cho con mình ăn, vợ chồng bàn nhau rằng : vợ chồng mình đương thì sinh đẻ, mẹ già chỉ có một lần, đã chẳng phụng dưỡng mẹ được sung túc, lại để cho con mình xẻ ngọt chia bùi của mẹ, thì không phải đạo. Bèn bàn nhau đào hố đem chôn đứa con đi; vợ cũng nghe theo lời ông. Khi đào hố mới được đâu độ 3 thước, thì thấy có một hũ vàng, trên có chữ đề là: "hiếu tử Quách Cự, hoàng kim nhất hũ, dụng dĩ tứ nhữ". Nghĩa là: "người con hiếu là Quách Cự, một hũ vàng đây để cho mày ". Hai vợ chồng lại đem con về.
Hán Quách Cự cửa nhà sa sút,
Thờ mẫu thân chăm chút mọi bề.
Con còn ba tuổi biết gì,
Bữa ăn từ mẫu thường thì bớt cho.
Trông thấy mẹ bữa no, bữa đói,
Với hiền thê than nỗi khúc nhôi
Mẹ già đã chẳng hay nuôi,
Ðể con xẻ ngọt, chia bùi sao đang?
Vợ chồng ta còn phen sinh đẻ,
Mẹ già rồi, hồ dễ được hai,
Nói thôi, giọt vắn, giọt dài,
Ðào ba thước đất để vùi tình thâm.
May đâu thấy hoàng kim một hũ,
Chữ Trời cho đề rõ rành rành,
Cho hay Trời khéo ngọc thành,
Hiếu tâm đâu để đoạn tình cha con.


Khương Thị sinh vào đời nhà Hán, vợ là Bàng thị; hai vợ chồng đều hiếu thảo cả. Mẹ chồng muốn uống nước sông, Bàng thị hàng ngày đi gánh nước ở sông xa về. Trời rét, mẹ muốn ăn gỏi cá tươi, vợ chồng cố đi tìm kiếm cho được đủ thứ đem về. Lại sợ mẹ có một mình buồn, thường thường mời các bà già ở hàng xóm sang chơi với mẹ cho vui. Sau tự nhiên ở bên cạnh nhà có suối nước ngọt chảy ra, đúng như vị nước sông và ở suối ấy hàng ngày lại có hai con cá chép, đủ dùng làm gỏi ghém. Từ đấy vợ chồng không phải đi quảy nước sông và đi kiếm cá nữa.
Hán Khương Thị nhà còn lão mẫu,
Vợ họ Bàng vẹn đạo chữ tòng,
Mẹ thường muốn uống nước sông,
Vợ từng đi gánh thay chồng hầu cô.
Mẹ thường muốn ăn đồ g ỏ i ghém,
Vợ chồng đều tìm kiếm đủ mùi,
Lại mời lân ẩu sang chơi,
Ðể bồi cùng mẹ cho vui bạn già.
Bên nhà bỗng chảy ra suối ngọt,
Với nước sông in một mùi ngon,
Lý Ngư ngày nhảy hai con,
Ðủ trong cung cấp thần hôn thường lề.
Rày thong thả bõ khi lận đậ n,
Cam thỏa lòng dâu thuận, con hiền.
Cho hay gia đạo khi nên,
Ðã con hiếu, lại được hiền cả dâu.


Thái Thuận sinh vào đời nhà Hán, nhà nghèo, mồ côi cha từ thủa bé, thờ mẹ rất có hiếu. Bị năm loạn lạc kém đói, phải đi vào rừng tìm kiếm những quả dâu chín đem về ăn cho đỡ đói. Tìm được quả nào chín đem để ra một bên. Gặp người tướng giặc Xích My đi qua, trông thấy hỏi: "Vì cớ gì để làm hai nơi như thế ?" Ông trả lời: "Quả nào chín đen thì ngọt, để riêng để biếu mẹ tôi, còn quả nào đỏ thì chua, để riêng tôi ăn". Người tướng giặc khen là có hiếu, bèn truyền quân lấy ra một thúng gạo và một cái đùi trâu để tặng ông.
Người Thái Thuận ở sau đời Hán,
Dạ thờ thân tiết loạn khôn lay,
Ðương cơn khói lửa mây bay,
Liền năm hoang khiếm, ít ngày đủ no .
Nơi rừng rậm kiếm đồ nuôi mẹ,
Nhặt quả dâu chia để làm hai,
Tặc đồ trông thấy nực cười,
Hỏi: "Sao bày đặt đôi nơi cho phiền?"
Rằng: "Quả ấy sắc đen thì ngọt,
"Dâng mẹ già gọi chút tình con,
"Còn là sắc đỏ chẳng ngon,
"Cái thân cay đắng dám còn s ợ chua?"
Giặc nghe nói khen cho hiếu kính,
Bước lưu ly mà gánh cương thường,
Truyền quân của tiễn sẵn sàng,
Vó trâu một chiếc, gạo lương một bàu .
Mừng trong dạ, bước mau lẹ gót,
Về tới nhà, miếng sốt dâng qua,
Cho hay người cũng người ta,
Biết đâu đạo tặc chẳng là lương tâm?


Đinh Lan sinh vào đời nhà Hán, mồ côi cha mẹ từ lúc bé, đến khi lớn lên, nhớ ơn cha mẹ thuê thợ tạc tượng cha mẹ bằng gỗ để phụng thờ, ngày thì dâng hai bữa cơm, tối thì sửa soạn chăn gối, hầu hạ chăm nom như lúc cha mẹ còn sống vậ y. Phụng thờ như thế hằng mấy mươi năm, sau người vợ ông sinh ra nản lòng, có một hôm người vợ lấy kim châm vào kẽ tay tượng gỗ , tức thì có máu tươi chảy ra. Đến bữa cơm, ông bưng cơm vào cúng, thấy tượng gỗ rớm rớm nước mắt, ông xét kỹ mới biết là vì vợ ông châm kim vào tay tượng gỗ, ông tức thì đuổi bỏ ngay người vợ ấy đi.
Hán Ðinh Lan thuở còn thơ ấu,
Bóng xuân huyên khuất dấu non xanh,
Ðến nay tuổi đã trưởng thành,
Cám công sơn hải, thiệt tình trân cam.
Tưởng dung mạo khắc làm mộc tượng,
Cứ bữa thường phụng dưỡng như sinh,
Khi chăn gối, buổi cơm canh,
Mấy mươi năm vẫn lòng thành trước sau .
Phải người vợ kính lâu nên trễ,
Thử lấy kim châm kẽ ngón tay,
Bỗng đâu giọt máu chảy ngay,
Ai hay tượng gỗ lâu ngày thiêng sao ?
Khi đến bữa, chồng vào đặt lễ,
Mắt tượng rơi hàng lệ chứa chan,
Xét xem mới biết nguồn cơn,
Nổi bùng lá giận, dứt tan dây tình,
Há phải nhẫn, mà đành phụ nghĩa,
Hiếu với tình nặng nhẹ phải cân,
Cho hay thành hẳn nên thần,
Há rằng u hiển, mà phân vong tồn.


13. LỤC TÍCH

Lục Tích sinh vào đời Đông Hán, mới lên 6 tuổi, đã biết hiếu thảo. Có một hôm theo cha sang quận Cửu giang với Viên Thuật; Thuật làm tiệc thết đãi. Tích thấy trong tiệc có quít ngon, bèn lấy dấu 2 quả bỏ vào tay áo, khi ra về cúi chào Viên Thuật không may quít ở trong tay áo rơi ra, Thuật nói đùa: "Sao lấy quít dấu như thế?" Tích trả lời: "Vì mẹ tôi thích ăn quít, nhân thấy quít ngon, dấu đi vài quả đem về biếu mẹ tôi". Thuật khen là người có hiếu.
Hán Lục Tích thuở còn sáu tuổi, 
Quận Cửu Giang đến với họ Viên, 
Trẻ thơ, ai chẳng yêu khen, 
Quýt ngon đặt tiệc tiểu diên đãi cùng. 
Cất hai quả vào ngay trong áo, 
Tiệc tan xong, từ cáo lui chân, 
Trước thềm khúm núm gửi thân, 
Vô tình quả quýt nảy lăn ra ngoài. 
Viên trông thấy, cười cười hỏi hỏi, 
"Sao khách hiền mang thói trẻ thơ?" 
Thưa rằng: "Mẹ vốn tính ưa, 
"Vật ngon dành lại để dưa mẹ thì." 
Viên nghe nói, trọng vì không xiết, 
Bé con con mà biết hiếu thân, 
Cho hay phú giữ thiên chân 
Sinh ra, ai cũng sẵn phần thiện đoan.

 


14. GIANG CÁCH

Giang Cách sinh vào đời nhà Hán, mồ côi cha từ lúc bé, thờ mẹ rất hiếu, nhà nghèo, gặp buổi loạn lạc, cõng mẹ đi lánh nạn, giữa đường gặp bọn giặc toan bắt ông đi, Ông khóc van với giặc nói là ông còn mẹ già, chỉ có hai mẹ con nương tựa nhau, nay bị bắt đi, thì không có ai nuôi mẹ già. Bọn giặc nghĩ thương tình, tha không bắt ông đi nữa, Ông cõng mẹ chạy về Hạ bì, rồi ông cố sức làm thuê làm mướn, cũng nuôi mẹ được no đủ qua cơn loạn lạc.
Hán Giang Cách cô đơn từ bé, 
Bước truân chuyên với mẹ đồng cư, 
Ðương cơn loạn lạc bơ vơ, 
Một mình cõng mẹ vẩn vơ dọc đường. 
Từng mấy độ chiến trường gặp giặc, 
Giặc cố tình hiếp bắt đem đi, 
Khóc rằng: "Thân mẹ lưu ly, 
"Tuổi già, bóng chếch biết thì cậy ai ?" 
Giặc nghe nói thoắt thôi, chẳng nỡ, 
Rồi dần dà qua ở Hạ Bì, 
Dấn mình gánh mướn, làm thuê, 
Miễn nuôi được mẹ, quản gì là thân. 
Mọi đồ vật sắm dần đủ hết 
áng xuân phong tươi nét từ nhan, 
Cho hay những lúc gian nan, 
Thật vàng, dẫu mấy lửa than cũng vàng.

 


15. HOÀNG HƯƠNG

Hoàng Hương sinh vào đời Đông Hán, năm lên chín tuổi mẹ chết, thương khóc thảm thiết, trong làng ai cũng khen là người có hiếu. Ở với cha, sớm khuya hầu hạ, không lúc nào rời, mùa đông thì nằm ủ vào chăn chiếu của cha để lấy hơi nóng của mình vào chăn chiếu cho cha khỏi lạnh, mùa hè thì lấy quạt quạt màn gối của cha cho hết hơi nóng, vì thế cha lúc nào cũng được vui vẻ, quanh năm không biết có mùa đông mùa hè. Quan thái thú quận ấy thấy Hương là người hiếu thảo, làm sớ tâu lên vua Hán ban cho Hương tấm biển chữ vàng là người con hiếu hạnh.
Ðời Ðông Hán, Hoàng Hương chín tuổi, 
Khuất bóng từ dòi dõi nhớ thương, 
Hạt châu khôn ráo hai hàng, 
Tiếng đồn vang dậy trong làng đều khen. 
Thờ nghiêm phụ cần chuyên, khuya sớm, 
Ðạo làm con chẳng dám chút khuây, 
Trời khi nắng hạ chầy chầy, 
Quạt trong màn gối, hơi bay mát rầm. 
Trời đông buổi sương đầm, tuyết thắm, 
ấp hơi mình cho ấm chiếu chăn, 
Vì con, cha đưọc yên thân, 
Bốn mùa không biết có phần hạ, đông, 
Tiếng hiếu hạnh cảm lòng quận thú 
Biển nên treo chói đỏ vàng son, 
Cho hay tuổi trẻ mà khôn, 
Nghìn thu biết đạo làm con mấy người?

 


16. VƯƠNG THÔI

Vương Thôi người nước Ngụy (đời Tam quốc) cha ông làm quan triều Ngụy, sau Tây Tấn diệt Ngụy, thống nhất thiên hạ, cha ông bị Tây Tấn giết hại, ông thương xót quá, phục ở bên mộ mà khóc mãi, đến nỗi nước mắt của ông chảy ra thấm xuống gốc cây trắc bên mồ tươi lại. Cả đời ông không bao giờ ngồi ngảnh mặt về hướng tây (vì Tây Tấn ở về phương tây ), để tỏ ý ông không làm tôi nhà Tây Tấn. Mẹ ông lúc sinh thời hay sợ sấm, nên khi mẹ ông chết rồi, hễ khi nào mưa có sấm, ông lại ra áp mồ và khấn rằng: "Có con ở đây rồi", để cho vong hồn mẹ khỏi sợ. Ông là người tài giỏi, vua nhà Tây Tấn thường mời ra làm quan, ông nhất định không chịu ra, ở nhà mở trường dạy học, mỗi khi ông giảng sách cho học trò, đến thiên Lục Nga trong Kinh Thi có câu rằng : "phụ hề sinh ngã" thì ông lại thương cha chảy nước mắt khóc. Vì thế, học trò cũng cảm động, bỏ thiên Lục Nga không dám đọc đến nữa.
Ngụy Vương Thôi gặp đời Tây Tấn, 
Vì thù cha lánh ẩn, cao bay, 
Bên mồ khóc đã khô cây, 
Trọn đời ngồi chẳng hướng Tây lúc nào . 
Khi sấm sét tìm vào mồ mẹ, 
Lạy khóc rằng: "Con trẻ ở đây ." 
Bởi vì tính mẹ xưa nay, 
Vốn từng sợ sấm những ngày gió mưa . 
Nên coi sóc chẳng từ sớm tối, 
Thần phách yên, dạ mới được yên, 
Trong khi đọc sách giảng truyền, 
Tới câu "sinh ngã" lệ tràn như tuôn. 
Ngập ngừng kẻ cấp môn cũng cảm, 
Thơ "Lục Nga" chẳng dám còn ngâm, 
Cho hay thử lý, thử tâm, 
Sư, sinh cũng tấm tình thâm, khác gì .

 


17. NGÔ MÃNH


Ngô Mãnh sinh vào đời nhà Tấn, lên 8 tuổi, thờ cha mẹ rất hiếu, nhà nghèo, mùa hè nhiều muỗi, không có tiền mua màn, ông sợ cha mẹ bị muỗi đốt không ngủ được, ông cởi trần nằm cho muỗi đốt, không dám xua, sợ rằng nếu mình xua đi thì muỗi lại đến đốt cha mẹ chăng?
Tấn Ngô Mãnh tuổi thì lên tám, 
Lòng sự thân chẳng dám khi nhàn, 
Cực về một nỗi bần hàn, 
Có giường trong đặt, không màn ngoài che . 
Trời đương buổi đêm hè nóng nảy,
Tiếng muỗi kêu vang dậy đương mùa . 
Xót thay! hai đấng nghiêm, từ, 
Ðể người chịu muỗi, bây giờ biết sao ? 
Nghĩ da thịt phương nào thay lấy ? 
Quyết nằm trần, muỗi mấy chẳng xua, 
Rầu lòng cho muỗi được no, 
Ðể người êm ái giấc hoè cho an. 
Tuổi tuy bé, nhưng gan chẳng bé, 
Dạ ái thân đến thế thời thôi . 
Cho hay phú tính bởi trời, 
Những đau trong ruột, dám nài ngoài da .

 


18. VƯƠNG TƯỜNG


Vương Tường sinh vào đời nhà Tấn, mẹ chết sớm, ở với cha, bị mẹ kế cay nghiệt, ngày thường xui dục, làm cho cha ông ghét bỏ ông, nhưng ông vẫn dốc lòng hiếu thảo với cha và mẹ kế. Mùa đông nước đóng váng, mẹ kế muốn ăn cá tươi, ông cởi trần nằm trên váng nước, để tìm cá, bỗng tự nhiên váng nước nứt đôi ra, có hai con cá chép nhảy lên, ông đem về cho mẹ kế xơi. Thấy ông hiếu thảo như thế, sau cha và mẹ kế ông cảm động, lại yêu quý ông lắm.
Người Vương Tường cũng là đời Tấn, 
Tủi huyên đường sớm lẩn bóng xa . 
Mẹ sau gặp cảnh chua ngoa, 
Tiếng gièm thêu dệt với cha những điều . 
Lòng cha chẳng còn yêu như trước, 
Lòng con thường chẳng khác như xưa . 
Mẹ thương muốn bữa sinh ngư, 
Giá đông trời lạnh, bây giờ tìm đâu ? 
Trên váng đóng, quyết cầu cho thấy . 
Cởi áo nằm rét mấy cũng vui . 
Bỗng đâu váng lở làm hai, 
Lý ngư may được một đôi đem về . 
Bữa cung cấp một bề kính thuận, 
Mẹ cha đều đổi giận làm lành, 
Cho hay hiếu cảm tại mình, 
Dẫu trăm giận, lúc hạ tình cũng thôi .

 


19. DƯƠNG HƯƠNG


Dương Hương sinh vào đời nhà Tấn, mới 14 tuổi, tính rất hiếu, cha đi đâu cũng theo đi hầu. Có một hôm, hai cha con cùng đi thăm ruộng đường xa, giữa đường gặp con hổ nhảy sổ đến định vồ cha ông, ông tay không, quyết xông vào dánh nhau với hổ, hổ phải bỏ chạy, cha con đều được vô sự cả.
Tấn Dương Hương mới mười bốn tuổi, 
Cha bước ra hằng ruổi theo cha . 
Phải khi thăm lúc đường xa, 
Chút thân tuổi tác thoắt xa miệng hùm. 
Ðau con mắt, hầm hầm nổi giận, 
Nắm tay không, vơ vẩn giữa đường, 
Hai tay chặn dọc, đè ngang, 
Ra tay chống đối với hổ lang một mình. 
Hùm mạnh phải nhăn nanh, lánh gót, 
Hai cha con lại một đoàn về . 
Cho hay hiếu mạnh hơn uy, 
Biết cha thôi lại biết chi có mình.

 


20. MẠNH TÔNG


Mạnh Tông người ở Giang Hạ, về đời Tam Quốc, mồ côi cha, ở với mẹ, tính rất hiếu. Một hôm mẹ bị ốm, thèm ăn canh măng, nhưng vì khi ấy đương mùa đông, khó tìm được măng, ông lần vào rừng tre, một mình ngồi khóc, bỗng chốc có mấy giò măng mọc ở dưới đất lên, ông đem về nấu canh cho mẹ xơi, rồi mẹ khỏi ốm.
Ngô Mạnh Tông phụ thân sớm khuất, 
Thờ mẫu thân lòng thực khăng khăng. 
Tuổi già trằn trọc, băn khoăn, 
Khi đau nhớ bát canh măng những thèm. 
Trời đông tuyết biết tìm đâu được 
Chốn trúc lâm phải bước chân đi . 
Một thân ngồi tựa gốc tre, 
Ôm cây kêu khóc, nằn nì với cây . 
Giữa bình địa phút giây bỗng nứt, 
Mấy giò măng, mặt đất nổi lên, 
Ðem về điều đặt bữa canh, 
Rồi bệnh mẹ lại lành như xưa . 
Măng mùa lạnh bây giờ mới thấy, 
Ðể về sau nhớ lấy cỏ cây . 
Cho hay hiếu động cao dày, 
Tình sâu cũng khiến cỏ cây cũng tình.

 


21. SỬU KIM LÂU


Kim Lâu người nước Tề, tính rất hiếu, được bổ làm thái thú ở quận Bình Lăng, đến nhận chức chưa dược 10 hôm, bỗng tự nhiên thấy tâm thần bàng hoàng, mồ hôi chảy ra như tắm, ông biết là ở nhà có việc chẳng lành, bèn từ chức về quê ; khi về đến nhà thì cha bị ốm đã hai ngày, ông thấy thầy thuốc nói rằng: "Những người ốm mà phân đắng thì dễ chữa, không đáng lo ngại, người nào ốm mà phân ngọt, ông lấy làm lo ngại, cứ đêm đêm ba lần đốt hương hướng về sao Bắc Đẩu mà khấn, xin chết thay cho cha. Sau nằm thấy có người cầm một thẻ vàng có mấy chữ: "Sắc trời cho bình an". Ngày hôm sau cha ông được qua khỏi.
Sửu Kim Lâu có danh Tề quốc 
Huyện Bình Lăng nhậm chức thân dân. 
Tới nha chưa được một tuần, 
Mồ hôi như dội, tâm thần thường đau . 
Treo ấn ruổi vó câu buồn bã, 
Về thăm cha, bệnh đã hai ngày . 
Nếm dơ vẫn cứ lời thầy, 
Ngọt ngào đầu lưỡi, chua cay trong lòng. 
Thấy chữ dạy: "Bệnh trung nghi khổ" 
Ước làm sao bệnh đỡ mới cam. 
Ðêm đêm hướng Bắc, triều tam, 
Xin đem tánh mạng thay làm thân cha . 
Lòng cầu khẩn thấu tòa tinh tú, 
Chữ bình an vui thú đình vi . 
Cho hay mảy động huyền vi, 
Thay mình truyện trước còn ghi kim bằng.

 


22. THÔI PHỤ ĐƯỜNG THỊ


Đường thị là vợ một nhà họ Thôi, thờ mẹ chồng rất hiếu, mẹ chồng tuổi già răng móm, không nhai được cơm. Đường thị cứ hàng ngày tắm rửa sạch sẽ, rồi đến cho mẹ chồng bú; hằng mấy năm mẹ chồng không phải ăn cơm mà cũng no. Cảm ơn ấy mẹ chồng không biết lấy gì đáp lại, khi mẹ chồng sắp chết, có khấn nguyện với trời xin cho con cháu dâu nhà họ Thôi ngày sau, ai ai cũng được hiếu thảo như Đường thị cả. Rồi sau các con cháu dâu nhà họ Thôi bắt chước nhau người nào cũng hiếu thuận. Vì thế, nhà họ Thôi được hưng thịnh.
Dâu họ Thôi, ai bằng Dương thị, 
Thương mẹ chồng niên kỷ đã cao, 
Không răng, ăn dễ được nào, 
Ngày ngày lau chải, ra vào thăm coi . 
Lấy sữa ngọt thay mùi cơm cháo, 
Mấy năm trời chẳng gạo mà no . 
Vì đâu dốc dạ thờ cô, 
Da mồi, tóc bạc, bốn mùa như xuân. 
Ơn lòng ấy khôn phần báo lại, 
Buổi lâm chung, nhủ với hoàng thiên, 
Xin cho nguyền được như nguyền, 
Dâu dâu ngày khác lại hiền như dâu . 
Ai nghe cũng răn nhau hiếu kính, 
Cửu Thôi gia hưng thịnh đời đời . 
Cho hay gia khánh lâu dài, 
Báu nào còn báu hơn người dâu ngoan.

 


23. CHU THỌ XƯƠNG


Chu Thọ Xương sinh vào đời nhà họ Tống, ông là con vợ thứ, năm ông lên bảy tuổi, thì mẹ đích ông đuổi mẹ ông đi, sau ông được làm quan, nghĩ đến công mẹ đẻ khó nhọc, nay mình được sung sướng, để mẹ đẻ lưu lạc trong lòng không đang. Ông quyết từ quan đi tìm mẹ đẻ. Trước khi đi, ông có thề rằng: "Nếu không tìm thấy mẹ, thì chết cũng đành". Sau ngẫu nhiên đi đến Đồng Châu thì mẹ con gặp nhau. Mẹ con xa cách nhau đã 50 năm nay lại được gặp nhau, rất là vui vẻ, ông bèn đem mẹ về phụng dưỡng.
Châu Thọ Xương làm quan Tống đại, 
Mẹ sinh ra bảy tuổi lìa lòng. 
Bởi vì đích mẫu chẳng dung, 
Ðem thân bồ liễu bạn cùng nước non. 
Muôn nghìn dặm mẹ con xa cách 
Năm mươi năm trời đất bơ vơ . 
Sinh con những tưởng cậy nhờ, 
Cái thân sung sướng bây giờ mà chi ? 
Bỏ quan chức, quyết đi tìm tõi, 
Nặng lời thề nói với gia nhân, 
Thân này chẳng gặp từ thân, 
Thời liều sống thác với thân cho đành.

 


24. HOÀNG ĐÌNH KIÊN


Hoàng đình Kiên sinh vào đời nhà Đường, làm quan đến chức Thái sử (quan coi việc chép sử) thờ cha mẹ rất hiếu, tuy mình làm quan sang, có nhiều đầy tớ hầu hạ nhưng các đồ của cha mẹ dùng để đại tiểu tiện, dù dơ bẩn đến đâu, ông cũng tự tay rửa lấy, không sai người nhà lau rửa bao giờ cả.
Triều Nguyên Hữu có thầy Tăng Trực, 
Là họ Hoàng ngồi chức sử thần, 
Ơn vua đã nhẹ tấm thân, 
Phận con, vẫn giữ thờ thân như ngày . 
Ðồ dơ bẩn tự tay lau chuốt, 
Việc tầm thường chẳng chút đơn sai, 
Há rằng sai khiến không ai, 
Ðem thân quan trọng thay người gia nô . 
Chức nhân tử phải cho cần khổ, 
Có mẹ cha mới có thân ta, 
Cho hay đạo chẳng ở xa, 
Hãy làm hiếu tử mới ra trung thần. 
Bấy nhiêu tích cổ nhân về trước, 
Cách nghìn xưa như tạc một lòng. 
Kể chi kẻ đạt, người cùng, 
Lọt lòng ai trốn khỏi vòng di luân. 
Buổi công hạ cảm thân dày đội, 
Xa hương quan, gần cõi Thánh Hiền. 
Trông vào những thẹn bóng đèn 
Muốn lưu gia phạm, nên truyền quốc âm.


Sưu tầm