Thứ Ba, 6 tháng 10, 2020

Câu chuyện & suy tư 02

Bình chọn:
{[['']]}

1. SÓNG GIÓ HÃI HÙNG


Một vị quân vương Ấn Độ đang bơi thuyền trong biển gặp lúc trời đổ mưa to gió lớn, trên thuyền có một nô lệ vì là lần đầu tiên đi thuyền, cho nên sợ hãi khóc rống lên. Nó cứ khóc mãi nên những người trên thuyền không chịu được, quân vương cũng bày tỏ thái độ nên đuổi nó xuống khoang thuyền.


Cố vấn thứ nhất của quân vương là một người khôn ngoan, ông ta nói: "Không nên đuổi nó xuống, để tôi giải quyết, tôi nghĩ rằng tôi có thể làm cho nó im lặng," và lập tức ra lệnh cho các thủy thủ khiêng nó quăng xuống biển. Tội nghiệp cho thằng nhỏ vừa rơi vào trong biển thì càng khóc thét lên, tay chân vẫy loạn xạ, qua vài giây sau thì vị cố vấn ra lệnh cho thủy thủ vớt nó lên thuyền.


Khi được vớt lên thuyền, tên nô lệ tội nghiệp im lặng đứng trong góc thuyền không một tiếng nói, quân vương hỏi người cố vấn khôn ngoan tại sao như thế ? Người khôn ngoan trả lời:


- "Trước khi tình hình biến ra xấu, thì mọi người rất khó mà thể nghiệm được bản thân mình thật là may mắn."


(Bài ca của loài ếch)



Suy tư:

Con người ta khi giàu có sung sướng thì không nghĩ đến mình đang sung sướng hơn những người nghèo khổ, cho nên họ cứ than thở cho là mình khổ quá; có người giàu có tiền bạc tiêu xài một bữa ăn bằng người nghèo sống cả năm, nhưng vẫn cứ thở dài thở vắn oán trách trời bất công; có người cuộc sống không thiếu gì cả, nhưng vẫn cứ than thở với người này, đánh tiếng với người kia là mình sao mà khổ quá...


Cuộc sống vui sướng nghèo khó của con người thì như những đợt sóng nhỏ vỗ vào bờ, hết đợt này thì đến đợt khác không ngừng, cho nên người có đức tin thì luôn có tâm hồn chuẩn bị đón nhận: khi đón nhận niềm vui thì đồng thời cũng chuẩn bị đón những đau khổ đến, khi vui vẻ sống trong hạnh phúc thì đồng thời cũng chuẩn bị đón nhận những bất hạnh và những điều xấu đến cho mình.


Luôn tỉnh thức và cầu nguyện là phương pháp hay nhất để đón nhận những diễn biến tốt và xấu xảy đến cho mình.
Trở lại mục lục bài viết




2. ĐẠI SƯ VÀ BẦY SÓI


Mọi người phát hiện một bầy sói xuất hiện ở trong thôn làng, vị đại sư họ Thiệu tu hành gần đó sau khi được biết, thì mỗi buổi chiều lúc trời chạng vạng tối đều đi vào trong nghĩa địa của thôn làng để tĩnh tọa, bầy sói cũng không làm gì hại đến ông ta.


Người dân trong thôn làng rất là phấn khởi, mời đại sư truyền cho bí pháp để sau này tiện bề ứng phó.


Đại sư Thiệu nói:


- "Ta không dùng bí pháp gì cả, khi ta ngồi tĩnh tọa thì có mấy con sói vây quanh ta, chúng nó liếm đầu mũi của ta, nhưng vì ta giữ hơi thở đều đặn nên sói không cắn ta."


(Bài ca của loài ếch)



Suy tư:

Bình tĩnh chính là vũ khí lợi hại nhất của con người, người luôn bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh thì có thể giải quyết được nhiều vấn đề.


Dù bạn có võ công cao cường nhưng nếu không biết bình tĩnh thì cũng sẽ thành kẻ chiến bại; dù bạn có thông minh xuất chúng nhưng nếu không bình tĩnh thì cũng sẽ thất bại; nếu bạn luôn có tâm hồn hoang mang thì bạn sẽ nắm chắc phần thất bại và luôn thất vọng trong cuộc sống.


Đại sư cũng là con người, cũng biết sợ thú dữ, nhưng sự bình tĩnh đã làm cho đại sư thêm can đảm và tự tại giữa bầy sói.


Khiêm tốn làm cho người Ki-tô hữu bình tĩnh và mạnh mẽ hơn trong đời sống tâm linh của mình.


Ai hiểu được thì hiểu.
Trở lại mục lục bài viết



3. NGUỒN GỐC CỦA ĐÔI GIÀY


Hôn quân phàn nàn mặt đất sù sì làm cho bàn chân của ông ta bị thương, do đó mà ra lệnh cho toàn dân phải phủ da trâu trên mặt đất.


Tên làm hề nghe xong thì cười ha ha, nói:


- "Bệ hạ, đây thật là chuyện hoang đường ! Hà tất phải bỏ ra một số kinh phí lớn như thế chứ ? Cắt ra hai miếng da trâu thì có thể bảo hộ bàn chân của bệ hạ."


Nhà vua theo thế mà làm.


Con người ta có ý định mang giày cũng từ đó mà ra.


(Bài ca của loài ếch)



Suy tư:

Thời nay con người ta mang giày không phải là hai miếng da trâu thô sơ, nhưng là những đôi giày nhiều kiểu rất đẹp và rất sang trọng, dù rằng nó chỉ là đôi giày dưới chân mà thôi. Đôi giày càng đẹp thì càng thăng thêm vẻ duyên dáng khi đi của các cô gái, và làm tăng thêm vẻ sang trọng của các chàng trai.


Đức khiêm tốn của người Ki-tô hữu giống như đôi giày dưới chân vậy, đôi giày càng chắc chắn thì cảm giày an toàn và tự tin càng cao, đức khiêm tốn càng thẳm sâu thì tâm hồn càng nhận được nhiều ân sủng của Thiên Chúa.


Đức khiêm tốn bảo vệ tâm hồn chúng ta được an toàn trong cuộc sống, là đôi giày bảo vệ tâm hồn khỏi những gai nhọn của cơn cám dỗ, bảo vệ tâm hồn trước những phong ba của cuộc đời.


Không ai mang giày đẹp mà đi xuống vũng bùn lầy, cũng vậy, không có ai đã mang đôi giày khiêm tốn rồi mà còn thích được tiếng khen ngợi của người khác...
Trở lại mục lục bài viết




4. BÁO CÁO TU ĐỨC


Đệ tử mỗi tháng cố định viết xuống tiến trình tu đức cho sư phụ coi. Tháng thứ nhất anh ta viết như thế này: "Con cảm thấy ý thức mở rộng ra và thể nghiệm được mình với vũ trụ là một." Đại sư nhìn xong thì giục vào sọt rác.


Tháng thứ hai đệ tử viết như sau: "Cuối cùng con đã phát hiện thần minh đang ở trong vũ trụ vạn vật." Đại sư coi xong thì lắc đầu thở dài.


Trong bản báo cáo tháng thứ ba, đệ tử bỏ công sức giải thích như sau: "Bí nhiệm của độc nhất và số nhiều đã mở ra tâm trí hoang mang của con." Đại sư coi xong thì ngáp dài.


Lại thêm một bản báo cáo viết như sau: "Không người sinh ra, không người sống, không người chết, bởi vì không phải con." Đại sư hai tay nắm lại, thất vọng không thể được.


Sau đó qua một tháng bình tĩnh, lại một tháng, một năm đã trôi qua, đại sư cho rằng nên nhắc nhở đệ tử viết báo cáo như là bài làm của anh ta ! Đệ tử đem đến một mẫu giấy ghi như sau:


- "Quên nó đi."


Trên mặt đại sư bày ra nét hân hoan thỏa mãn, nhẹ nhàng nói:


- "Cảm ơn trời xanh, cuối cùng nó được đạo rồi."


(Bài ca của loài ếch)



Suy tư:

Tu đức không phải bằng vàng ròng hay kim cương đá quý để đem ra cân đong đo đếm, tu đức cũng không phải là một bài luận văn phải tả cảnh tả người, tu đức cũng không phải là một mớ báo cáo thành tích đã làm trong tháng, nhưng tu đức chính là cách cảm nghiệm được Thiên Chúa đang cùng đồng hành với mình, và mình đồng hành cùng Thiên Chúa trong cuộc sống.


Quên đi loại tu đức cân đong đo đếm để thêm sự khiêm nhường trong cuộc sống.


Quên đi loại tu đức được viết trên giấy mình đã làm được bao nhiêu việc lành trong ngày trong tháng, để tâm hồn tự nhiên hòa hợp với mọi người.


Quên đi loại tu đức báo cáo thành tích mình đã đạt được cho người khác biết, bởi vì khi người khác biết và khen ngợi thì không cần Thiên Chúa biết nữa.


Trung tâm cuộc sống của người Ki-tô hữu chính là Đức Giê-su Ki-tô, đối xử với người khác như đối xử với Ngài là tu đức rồi vậy.
Trở lại mục lục bài viết




5. NGÀ VOI TRONG RỪNG SÂU


Một thầy giáo đã bỏ nghề dạy học của mình để đầu tư vào những công việc của xã hội. Bạn bè muốn biết nguyên nhân tại sao anh ta thay đổi nghề nghiệp, thầy giáo nọ giải thích như sau:


"Ở trong trường học phát huy khả năng rất hạn chế, ngoài việc làm chút gì đó cho gia đình và xã hội loài người, thì việc lưu lại trong trường học làm cho tôi cảm thấy giống như người đi kiếm ngà voi trong rừng sâu, một khi tìm được thì lại phát hiện nó và con voi gắn chặt với nhau."


(Bài ca của loài ếch)



Suy tư:

Người trẻ thời nay khi chọn cho mình một nghề nghiệp tương lai thì rất thực tế: lương phải cao, việc làm thoải mái...


Nghề cao quý nhất trong xã hội là nghề giáo, tức là dạy học, là nghề không những dạy dỗ học trò những kiến thức căn bản, mà còn dạy học sinh cách biết làm người tốt và có ích cho xã hội.


Thời nay có những thầy cô giáo cấp hai cấp ba bỏ nghề giáo (dù rất đau lòng) để đi buôn bán mánh mung, bởi vì tiền lương không đủ nuôi thân thì làm sao nuôi sống gia đình; thời nay có nhiều thầy cô giáo dạy học ở trường là chuyện phụ, nhưng dạy thêm dạy kèm là chính, bởi vì tiền lương tháng không đủ tiền ăn sáng và tiền xăng dầu cho xe cộ, nhưng tiền dạy thêm dạy kèm thì cao gấp mấy lần tiền lương chính thức; thời nay có những thầy cô không còn cảm thấy nghề giáo là cao quý nữa, bởi vì có những phụ huynh và học trò không tôn sư trọng đạo, và có khi nghề giáo là một nghề "tội nghiệp" nhất trong các nghề chân chính.


Cái ngà (voi) không thể do con chó con mèo mà có, cũng vậy, Chúa Giê-su đã cảnh tỉnh chúng ta: "Nên hể cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt." (Mt 7, 17-18)


Ai hiểu thì hiểu !
Trở lại mục lục bài viết




6. NGUYÊN NHÂN THOÁNG NỞ THOÁNG TÀN


Hoa quỳnh, bởi vì đời sống của nó rất ngắn ngủi, nên phàn nàn với Đấng tạo hóa:


- "Ngài tạo dựng con rất là đẹp đẽ, chỉ có điều là: mỗi khi con đắm say trong sự tán thưởng và ngưỡng mộ của chúng nhân, thì Ngài lại lật đật kết thúc cuộc sống của con, phải nói là quá tàn nhẫn đi thôi".


Đấng tạo hóa bất đắc dĩ nói:


- "Được, Ta để con sống lâu thêm một chút".


Sau đó không lâu, hoa quỳnh gấp gấp thỉnh cầu với Đấng tạo hóa: "Ngài nên để con hồi phục dáng vẻ trước kia nhé, nhìn mình mỗi lúc một già đi, hồng nhan không trở lại, thực là một chuyện đáng sợ".


Đấng tạo hóa bắt đầu giáo huấn, nói:


- "Lạ thật, già thì cũng có cái đậm đà của già chứ?"


- "Không, không"- Hoa quỳnh nói: "Thà rằng con nhận sự hoài niệm và tiếc nuối của mọi người".


Cho đến ngày nay, hoa quỳnh nháy mắt nở, nháy mắt tàn, chính là nguyên nhân "thoáng nở thoáng tàn" vậy.


(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")



Suy tư:

Tôi đã thấy rất nhiều loại hoa, ở Sài gòn, mỗi năm tết đến, chợ hoa khai mạc thì dù có chết tôi cũng đi coi cho bằng được, mặc dù năm nào cũng chỉ những loại hoa ấy. Ở Đài Loan, tôi cũng được may mắn đi coi những nơi trồng hoa của các nghệ nhân, đẹp không thể tả, đủ màu đủ sắc, có những loại hoa mà tôi chưa bao giờ được thấy, nhưng thú thật, hoa quỳnh thì tôi chưa hề thấy bao giờ cả, chỉ nghe nói và nghe người ta khen nó đẹp, nó thơm mà thôi, nhưng nó quý và hiếm, quý và hiếm là nó vừa nở hoa thì tàn ngay sau đó, đời sống của nó quá ngắn ngủi, nên nó được người ta quý.


Đời sống con người ta cũng như bóng câu qua cửa sổ, nghĩa là cũng vắn vỏi vô cùng.


Hoa quỳnh chóng tàn nhưng để lại cho người thưởng thức sự nuối tiếc.


Cuộc sống ngắn ngủi, nhưng chúng ta đã làm gì để cho đời tiếc thương ? Các thánh tử đạo là những người có cuộc sống đời này rất ngắn, nhưng danh thơm tiếng tốt của các ngài thì ngàn năm sau không phai nhạt.


Thánh Đaminh Saviô, thánh Maria Gorretti, thánh Luy Gonzaga, thánh Tôma Thiện, thánh tiến sĩ Têrêxa Hài đồng Giê-su.v.v... là những vị thánh trẻ nhất, tức là chết sớm nhất, nhưng gương anh hùng trong đức tin, thanh khiết trong cuộc sống, bác ái trong hành động của các ngài, đã lôi kéo biết bao nhiêu tâm hồn sống như các ngài.


Thời giờ qua nhanh như ngựa chạy tên bay, chúng ta còn bao nhiêu thời gian nữa để làm nên anh hùng, lưu lại tiếng thơm cho đời ?


Phải bắt đầu từ hôm nay! Alleluia !


Tạ ơn Chúa! Alleluia.
Trở lại mục lục bài viết




7. TÌNH YÊU CỦA TIÊU THƯ CÚ MÈO


Tiểu thư cú mèo yêu chú ngôi sao.


Mỗi buổi tối, nó ngơ ngơ ngẩn ngẩn nhìn sao trên trời, kể lể nỗi lòng:


- "Chàng có biết em ngưỡng mộ chàng nhiều lắm không? Phong độ chàng rất tao nhã, dáng bên ngoài cao vút khắp mọi nơi làm cho em mê say. Bất luận anh nghèo hay giàu, là quý hay tiện, em cũng tự nguyện làm con ở vĩnh viễn ở cùng anh".


Chú ngôi sao bị nhiệt tình của tiểu thư cú mèo làm cảm động, bèn quyết định hạ xuống cùng nó tương hội, nó vứt bỏ hết ánh sáng và sức nóng của toàn thân, vạch một đường dài cực nhanh qua bầu trời đến trước mặt tiểu thư cú mèo.


Tiểu thư cú mèo thật không tin vào mắt mình nữa, nó mang nỗi kinh ngạc không hiểu được, và không che giấu nỗi thất vọng của mình, nói:


- "Trời ạ, người yêu của tôi phải thật phong độ, thanh thoát tuyệt vời, thế mà chỉ là một tảng đá ư ?"


Nó đập đập đôi cánh bay đi, đầu cũng không thèm ngoảnh lại.


(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")



Suy tư:

Những cô tiểu thư ngày nay thích sống thực tế hơn, ngay cả trong tình yêu họ cũng không che giấu được những ước mơ thực tế.


Có những cô gái thích các chàng trai vẻ bên ngoài thật phong độ, chịu chơi pha chút hiền lành.


Tôi đã dạy giáo lý hôn nhân cho rất nhiều đôi bạn trẻ, những đôi bạn già, và những cặp hôn phối rất già, đôi nào cũng hạnh phúc, sung túc. Nhưng chỉ có một đôi vợ chồng rất trẻ, cô gái khá đẹp và gia đình là công giáo đạo đức, anh thanh niên thì đẹp trai, dáng hiền lành, ngoại đạo, quả thật là một đôi đẹp đôi.


Học giáo lý chỉ hơn một tháng thì không học nữa, anh ta chẳng muốn đến nhà thờ, vì yêu anh ta mà cô gái cũng đã bỏ luôn cả nhà cha mẹ và ở với anh ta, không làm phép cưới, không đi lễ, mặc dù nhà anh ta cách nhà thờ đi bộ không đến nửa phút. Ván đã đóng thuyền, ở với nhau, cô ta mới thất vọng vì anh chồng đã không còn hiền lành như trước nữa, ngày ngày rượu chè, đánh bậy với hàng xóm, cô gái không dám nhìn bà con, không dám nhìn bạn bè, và cũng không dám nhìn luôn cả Thiên Chúa.


Bề ngoài thì đẹp mã nhưng trong lòng thì rỗng tuếch, chẳng khác gì cái phèng la kêu to rỗng bụng.


Các chàng trai luỵ vì sắc đẹp.


Các cô gái chết vì tài năng.


Sắc và tài đều là của Thiên Chúa ban cho, nhưng con người thường dùng tài sắc để che giấu những thói xấu và khuyết điểm của mình.


Sắc sẽ phai tàn, tài sẽ mất đi, chỉ còn lại cái tâm, có điều là tâm tốt hay tâm xấu mà thôi.


Tâm tốt xấu ai mà biết đựơc, mà nếu biết thì biết chút xíu thôi, khôn ngoan nhất là nên cầu nguyện, bàn hỏi với những người khôn ngoan trước khi kết hôn!
Trở lại mục lục bài viết




8. SÔNG SUỐI VÀ ĐÁ NGẦM


Sông suối kể lể với đá ngầm:


- "Tại sao anh ngăn cản đường đi của tôi, để tôi phải vượt qua trên anh cho phí tổn sức khoẻ?"


Đá ngầm trả lời:


- "Lẽ nào anh không cảm thấy, chính là do tôi anh mới bắn lên những bọt nước đẹp đẽ của anh, để cuộc sống của anh trở nên tưng bừng phấn khởi và thật dịu dàng".


(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")


Suy tư:


Có những vật tự nguyện mất đi để đời sáng sủa hơn: ngọn nến.


Có những hạt muối tan biến đi để thức ăn thêm vị ngon.


Có những người vợ chấp nhận hy sinh để chồng và con cái đựơc sống.


Có những người bạn chịu thiệt thòi để bạn mình đựơc vinh hoa, phú quý.


Và không có ai chấp nhận hy sinh to lớn bằng bố mẹ mình, cho đến bây giờ tôi vẫn còn xúc động mỗi khi nghe hát bài "Uống nước nhớ nguồn": "Uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu, công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra... vì đâu anh nên người tài ba... ...". Bài hát lột tả tất cả tình thương và sự hy sinh của cha mẹ đối với con cái.


Nhưng gộp lại tất cả tình thương của cha mẹ, bạn bè, người yêu, thì cũng không thể so sánh bằng tình yêu của Đức Giê-su dành cho chúng ta. Ngài đã yêu thương chúng ta cho đến chết, và là cái chết trên thập giá (Pl 2,8) để chúng ta được giải hoà với Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là cha, và được sống đời đời với Ngài trong vinh quang...


Nếu không có tảng đá cản đường, thì làm gì mà có những bọt sóng tung toé trắng xoá để ta thưởng thức!


Nếu Đức Ki-tô không hy sinh, không chết trên thập giá và sống lại, thì chúng ta làm sao được gọi Thiên Chúa là cha, và hy vọng hưởng phúc với Ngài trên thiên đàng chứ ?
Trở lại mục lục bài viết




9. DẶN DÒ VÀ BA HOA


Lúc vịt con ra khỏi cửa, vịt mẹ ở sau lưng nói:


- "Đem theo cái ô, cục khí tượng nói chiều nay trời sẽ đổ mưa; lúc qua đường nhớ cẩn thận, nhìn rõ ràng trước sau không có xe mới đi qua; tối nhớ về cho sớm, cẩn thận..."


Vịt con không chịu nổi, cắt đứt lời của mẹ:


- "Từ sáng đến tối mẹ cứ ba hoa, có thôi không nào?"


Dần dần vịt con lớn lên, kết hôn, cũng làm vịt mẹ, mỗi ngày đàn con vây luẩn quẩn quanh mình.


- "Mẹ bảo con mặc thêm quần áo có nghe không nào?... Đợi một chút không thì lại cảm mạo đấy. Nhớ ăn cho hết rau ở trong cơm hộp, gầy như thế mà còn kén ăn, còn..."


Không đợi nó nói hết, lũ con la lên kháng nghị:


- "Má, má nói lôi thôi không à, ngày nào cũng ba hoa không à."


Nó muốn mở miệng chửi mắng, đột nhiên im lặng không nói, câu nói ấy thật quen thuộc, từa tựa như đã nghe qua ở đâu rồi thì phải ! Đúng rồi, chính là bản sao lại của nó hồi năm xưa.


Thật kỳ lạ, lời ba hoa của mẹ, hôm nay chợt nhớ lại từng câu từng câu, đều tràn đầy sự dặn dò quan tâm yêu mến.


Nó hỏi Đấng tạo hóa:


- "Rốt cuộc thì dặn dò và ba hoa có gì là khác biệt?"


Đấng tạo hóa nhẹ tiếng trả lời:


- "Khác biệt ở chỗ thân phận làm mẹ và làm con không giống nhau".


(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")


Suy tư:


Hồi còn nhỏ tôi thường hay bị mẹ la mắng vì không chịu cẩn thận khi ra nắng, tôi lại thích đi lang thang giữa trời mưa, mà lại kiếm những chỗ có vũng nước mà lội, nên cứ bị nhắc nhở. Bây giờ già đầu rồi mà mỗi khi đi học ghé thăm mẹ, thì cũng "bị" nhắc nhở cẩn thận khi chạy xe, đừng để đầu trần mà ra nắng v.v...


Chắc các bạn cũng như tôi, không ít thì nhiều cũng bực mình khi nghe nhắc hoài những điều quá thường ấy!


Vậy mà bây giờ nhớ lại, thì quả thực lời mẹ nhắc nhở rất đúng, mẹ nhiều lời cũng vì tình thương của mẹ dành cho con cái thật tràn trề, sự tràn trề này được biểu hiện ra nơi sự nhắc nhở thường xuyên ấy.


Điều mà con cái coi thường, thì mẹ lại thường xuyên nhắc nhở, việc mà con cái không để ý, thì mẹ lại luôn quan tâm để ý.


Không ai tế nhị cho bằng mẹ.


Tình thương của mẹ dành cho con cái to lớn hơn con cái nghĩ đến.


Rồi chúng ta sẽ kết hôn, sẽ làm bố mẹ, rồi chúng ta cũng sẽ thường xuyên nhắc nhở con cái những lời mà mẹ mình đã nói lúc trước: đừng ra nắng nghe con, đừng chơi bời với bạn bè xấu nghe con, nhớ mặc áo mưa khi ra mưa nghe con... nhớ... và nhớ... nghe con.


Mẹ Maria cũng nhắc nhở chúng ta mỗi ngày:


- Hãy cầu nguyện.


- Hãy siêng năng lần hạt mân côi.


- Hãy cải thiện đời sống.


Có phải Mẹ ba hoa, hay là Mẹ yêu thương chúng ta?
Trở lại mục lục bài viết


10. KHẢNG KHÁI CỦA CON VOI


Con của gấu bị bệnh phải mỗ lập tức, nên cần một món tiền bảo đảm, gấu vội vàng đi khắp nơi hỏi để vay mượn.


Nó cầu cứu sự giúp đỡ của con voi, voi khảng khái nói:


- "Không thành vấn đề, hai ngày sau, thì vừa đúng lúc tôi có tấm ngân phiếu đến kỳ, tôi nhất định giúp đỡ".


Qua hai ngày sau, con voi đem tiền đến biếu cho nhà gấu, nhưng gấu nói nó không cần nữa, bởi vì con nó đã chết, con voi lấy làm tiếc nói với tê giác:


- "Tôi đã nói rồi, tôi nhất định phải giúp họ".


Tê giác cảm khái thở dài:


- "Một đồng hôm nay, hơn hẳn trăm đồng ngày mai vậy".


(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")



Suy tư:

Đem tiền gởi vào ngân hàng thì không mất mà lại còn được lời, một lời hai, hai lời ba...


Còn ân phúc thì làm sao cho có lời, mà lời gấp hai gấp ba ?


Thưa, đem ân phúc của chúng ta mà gởi cả cho người nghèo, người cần chúng ta giúp đỡ, bởi vì chính họ là những ngân hàng của chúng ta. Khi chúng ta giúp đỡ cho ai một ly nước lã mà thôi, thì cũng được Thiên Chúa trả lại gấp đôi, đạo lý này thì rất rõ ràng, nhưng mấy ai thích đem tiền của của mình gởi vào những ngân hàng ấy!


Tôi còn nhớ một câu chuyện ngụ ngôn đại khái như sau: có một con cọp bị thương, đang nằm rên la đau đớn, bác tiều phu nghèo khổ thấy vậy bèn cứu chữa cho nó, sau khi nó lành thì chạy vào rừng... ... bác tiều phu ngày ngày đi lấy củi trong rừng trở về, và ngày nào cũng đều thấy một miếng thịt rừng to tổ bố giữa nhà, đó chính là sự trả ơn của con cọp...


Thú dữ mà cũng biết trả ơn như thế, huống gì là Thiên Chúa lại không biết sao?


Xét cho cùng, người nghèo khó và người bất hạnh đều là những người làm ơn cho chúng ta, họ là những ngân hàng để chúng ta gởi công phúc vậy.

Sưu tầm
Trở lại mục lục bài viết