Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

Câu chuyện & suy tư 07

Bình chọn:
{[['']]}

1. MÙ DẮT MÙ

Con cáo mù lạc đường, đang lúc sốt ruột lo âu, đột nhiên nghe tiếng bước xa xa đến gần, vội vàng hỏi trong vui sướng:
- "Chào anh bạn, xin hỏi, đến đường. .xx...ấy, làm sao đi ?"
- "Anh không thấy sao ?"
- "Thấy thì còn hỏi anh làm gì".
Đối phương lần chần một chút, trả lời:
- "Được, đi với tôi".
Con cáo đi sau lưng người ấy, người ấy bảo sao nghe vậy.
Đi không bao lâu, hai đứa tập tễnh tiến vào ngõ cụt, loay hoay hết ngày hết buổi mới ra khỏi đó, tiếp tục đi lại lọt vào cái chuồng lợn, khắp nguời đầy mùi hôi thối, lại đi tiếp và cả hai lại rơi vào trong hồ nước, thật lúng túng không dễ dàng để bám vào bờ, cuối cùng con cáo mù chịu không nỗi kêu thét lên:
- "Anh dẫn đường, nhưng rốt cuộc dẫn như thế nào đây ?"
Rất lâu, chỉ nghe đối phương biết lỗi nói: "Tôi cũng là kẻ mù như anh ạ!"
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
"Mù mà lại dắt mù sao được? Lẽ nào cả hai không sa xuống hố." (Lc 6, 39)
Con người ta không có chi khổ cho bằng bị mù, bởi vì mù thì không thấy. Mù thì không thấy cha mẹ, anh chị em hình dáng ra sao, đẹp xấu thế nào ? Mù thì không biêt trời đất, phố xá, xe cộ nó ra làm sao, hình thù như thế nào, tóm lại, mù thì khổ vô cùng.
Nhưng con mắt tâm hồn mà bị mù thì càng khổ hơn. Vậy thế nào là mù trong tâm hồn ?
Theo tôi, người mù trong tâm hồn là người kiêu căng, biết mình sai mà không nhận mình sai, thấy người khác trổi vượt hơn mình là đem lòng ghen tức...
Người bị mù con mắt tâm hồn là người biết một chút xíu về phương diện nào đó, học lóm đựơc cái gì đó, nhưng thích phô trương giữa công chúng, thích làm thầy dạy người khác.
Xã hội chán khối người bị mù trong tâm hồn, nên xã hội loạn; cộng đoàn nào có thành viên bị mù con mắt tâm hồn thì cộng đoàn ấy thật đáng thương hại. Người bị mù tâm hồn mà giữ được chức vụ trọng yếu trong cộng đoàn, thì đúng là tội nghiệp cho cộng đoàn ấy, lời của Chúa Giê-su nói chẳng sai chút nào: "Mù mà dắt mù được sao, lẽ nào cả hai không sa xuống hố ?..."
Con mắt tâm hồn của chúng ta có bị mù không?
Trở lại mục lục bài viết

2. SỰ NGHI NGỜ CỦA CHIM CÁNH CỤT

Chim cánh cụt hỏi Đấng tạo hóa:
- "Cái gì là lòng tin?"
Đấng tạo hóa trả lời:
- "Đối với sự việc mong đợi thì có thể nắm vững; đối với sự việc chưa nhìn thấy thì có thể xác định".
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
"Tô-ma vì đã thấy Thầy, nên anh tin, phúc cho những người không thấy mà tin" (Ga 19, 29).
Tin là phó thác: tôi tin vào Thiên Chúa, tôi phó thác đời sống tôi cho Ngài, không nghi ngờ gì cả.
Tin là yêu: tôi tin Thiên Chúa, cho nên tôi yêu mến Ngài.
Tôi không thấy Ngài, nhưng tôi tin, tôi yêu và tôi hy vọng vào Ngài, bởi vì Giáo Hội dạy tôi như thế, vũ trụ vạn vật đã "nói" như thế và trí óc tôi bảo như thế, và nhất là Chúa Giê-su đã dạy tôi như thế.
Vợ tin chồng, nhưng không vững bền, vì chồng cũng là con người, cho nên cũng có lúc không đáng tin như tin Thiên Chúa.
Bạn bè tin tưởng nhau, nhưng cũng không được bảo đảm, vì cũng có lúc bạn bè lừa dối nhau vì lợi danh, chỉ có Thiên Chúa là Đấng không hề lừa dối ai.
Tin là yêu chứ không phải lợi dụng, tin là hy vọng chứ không phải nại nhiều lý do để rồi thất vọng, tin là phó thác chứ không nghi ngờ vào Đấng đã vì yêu mà chết thay cho tội lỗi của tôi và của nhân loại, đó là Chúa Giê-su.
Trở lại mục lục bài viết

3. MƯA GIÓ VÀ CÂY TRẨU

Tháng năm mai vàng, mưa dầm không dứt.
Cây trẩu không nhẫn nại, than vãn:
- "Mưa gió đến bao giờ mới tạnh?"
Đấng tạo hóa nói:
- "Mưa gió không phải đã hết rồi sao?"
Cây trẩu giải thích:
- "Con nói mưa gió ở phía ngoài".
Đấng tạo hóa đáp:
- "Ta nói mưa gió ở bên trong".
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Thời tiết bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cứ thế mà xoay chuyển theo thứ tự, không thay đổi.
Có thay đổi chăng cũng là do lòng người thay đổi.
Tứ thời bát tiết, đông tàn thì xuân tới, thu tới thì hạ đi, mưa rồi nắng, nắng rồi lại mưa đó là chuyện của trời đất, có kỳ có hạn, không đáng lo ngại.
Cái lo ngại và đáng sợ nhất chính là mưa bão trong tâm hồn: mưa bão của tình yêu, mưa bão của hận thù.
Lòng người mà chan chứa tình yêu, thì thế giới chẳng cần gì có giải thưởng Nobel hoà bình, vì có chiến tranh đâu mà vận động hoà bình.
Lòng người mà chất chứa cơn bão hận thù, thì thế giới điêu đứng hơn cả cuồng phong bão táp, thế chiến thứ hai là một bài học, gần đây nhất- năm cuối của thế kỷ 20 (1999)- là chiến tranh diệt chủng ở Nam Tư, những người gốc Anbani bị giết, bị hãm hiếp, bị đánh đập, bị đuổi khỏi nơi ở của mình.
Đài Loan, một đảo quốc giàu có, cứ đến giờ tin tức, bạn mở truyền hình ra mà coi, hình như ngày nào cũng có tin tức: giết người.
Đúng là mưa gió ở bên trong (tâm hồn) nguy hiểm hơn cơn bão ở bên ngoài (thời tiết), ghê gớm thật.
Nhưng người Ki-tô hữu nhờ Lời Chúa hướng dẫn và bí tích Thánh Thể làm nền tảng vững chắc của yêu thương và của bình an trong tâm hồn, cho nên họ luôn là những người kiến tạo hóa bình trong yêu thương...
Trở lại mục lục bài viết

4. KHỔ DỊCH VÀ GÁNH NẶNG

Cây xoan không ngừng băn khoăn về mệnh khổ của mình:
- "Người khác đều lớn lên cao cao to to, chỉ có tôi là gầy bé như thế này; hoa của người khác nở đều, vừa đẹp vừa sum xuê, mà hoa của tôi thì lại nhìn cũng không thấy như thế này, cây bách quả tròn, cây long não có thể làm ra gỗ, mà tôi thì, ái dà..."
Đấng tạo hóa thở dài, mở miệng nói:
- "Này con ạ! Trong cuộc sống nếu không có một sự vật để có thể cám ơn, thì cuộc sống đơn thuần chỉ là một loại khổ dịch và gánh nặng".
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Ở trên đời mọi ngưòi đều mắc nợ nhau.
- Chúng ta mắc nợ cô thợ may xinh đẹp, vì áo quần chúng ta mặc là do cô ta may.
- Chúng ta mắc nợ bác nông dân, vì gạo chúng ta ăn hằng ngày là do công lao khó nhọc của bác trên đồng ruộng.
- Tri thức chúng ta có là bởi các cô giáo thầy giáo dạy dỗ truyền đạt...
Người người đều mắc nợ nhau.
Có người giỏi, có người dở
Có người xấu, có người tốt...
Chúng ta thường hay nói: "nhìn lên mình chẳng bằng ai, nhìn xuống thì chẳng ai bằng mình", nếu cứ như thế mà yên tâm sống đời vui tươi thì thật đẹp biết bao!
Thế nhưng con người ta cứ ưa nhìn lên hoài à, nếu nhìn lên Thiên Chúa thì chẳng có chi bàn luận, nhưng con ngưới ưa nhìn người khác mà than thân trách phận mình: sao thằng ấy nó giàu thế, sao nó thông minh thế; tại sao con nhỏ ấy cũng như mình mà sao ai cũng thích nó, sao mình không được như nó, nhà cao cửa rộng; sao mình lại khổ cực như thế này...sao...sao và nhiều cái tại sao nữa...
Nếu cứ hỏi tại sao thì làm sao mà thoải mái yên vui tâm hồn được ?
Cứ vui vẻ với giây phút hiện tại, giây phút mà tôi đang học hành, đang làm việc, đang vui chơi, đang cầu nguyện...
Bởi vì Thiên Chúa đong cho ai đấu nào, thì người ta phải trả lại đấu ấy.
Trở lại mục lục bài viết

5. VE SẦU HỎI

Ve sầu hỏi Chúa tạo vật:
- "Có thứ gì vừa có đầy đủ sức sống, nhưng đồng thời cũng có đủ sự chết không?"
- "Có chứ"- Đấng tạo hóa trả lời, tiếp: "Hạt giống của lúa, lúa mì và tất cả các hạt, chúng nó đều là vừa sống vừa chết, vừa chết vừa sống".
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Nhưng có hạt giống không bao giờ chết, mà trái lại, những ai vui lòng đón nhận nó, và làm cho nó sinh sôi nảy nở trong tâm hồn và trong cuộc sống của mình, thì được sự sống đời đời, đó là hạt giống Lời Chúa.
- Lời Chúa không chết, nhưng lan tràn mãi khắp cùng mặt đất.
- Lời Chúa không chết, nhưng những ai không đón nhận nó, thì sẽ phải chết đời đời.
Đã có nhiều quốc gia dân tộc đón nhận nó, và cũng có rất nhiều sắc dân chủng tộc bách hại và mưu toan bóp nghẹt nó, nhưng Lời Chúa muôn đời vẫn bất diệt và phát triển mãi cho đến khi vũ trụ này qua đi.
Hạt giống Lời Chúa trong kho tàng Kinh Thánh, hạt giống Lời Chúa trong thánh lễ Mi-sa, hạt giống Lời Chúa rãi rác trong những sách thiêng liêng của Giáo Hội.v.v...nếu mỗi người Ki-tô hữu biết lắng nghe và đón nhận, thì sẽ được sống đời đời trong tình yêu của Chúa ngay tại trần gian này và ngày sau trên thiên đàng.
Trở lại mục lục bài viết

6. HOA SEN TỰ NGỒI TÙ

Hoa sen hâm mộ chim biết ca hát, con bướm biết bay, còn mình thì cả ngày bị giam cầm trong hồ nước, lâu ngày không tránh khỏi oán than.
Đấng tạo hóa thấy vậy, lập tức nói:
- "Bé con, giam cầm con thật ra không phải là hồ nước, mà là cái tâm của con đó".
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Có người gia đình rất sung túc đầy đủ mọi phương tiện, có xe hơi, vợ con ngoan hiền, nhưng luôn luôn than vắn thở dài là mình quá khổ...
Có gia đình anh bạn của tôi, thiếu thốn mọi sự, con bị bệnh, vợ chồng đầu tắt mặt tối làm việc mà cũng chẳng đủ ăn, nhưng không hề nghe anh ta than vãn một đôi lời, ngạc nhiên tôi bèn hỏi: "Anh khổ cực như thế, sao mà mặt mày luôn vui vẻ vậy?"- Anh ta trả lời: "Cực khổ chi đâu thầy, chẳng qua đó là thánh giá mà Chúa gởi đến cho mình vác đó thôi", đúng là một tín hữu gương mẫu.
Đem cái tâm nhốt trong những đồng tiền, thì cái tâm sẽ lo âu mất ăn mất ngủ; đem cái tâm nhốt trong quyền uy chức tước, thì cái tâm sẽ trở thành độc tài khát máu; đem cái tâm đựng trong những mớ kiến thức tri thức, thí cái tâm sẽ biến thành kiêu ngạo cô độc...
Nhưng đem cái tâm đặt vào trong bàn tay và thánh ý của Chúa, thì cái tâm sẽ triển nở thăng hoa, an vui tự tại.
Trở lại mục lục bài viết

7. LỜI HỨA CỦA TÌNH YÊU

Phong tín tử ngày ngày đuổi theo bươm bướm hỏi:
- "Nói cho cùng thì em có yêu anh không ? Em có thể vĩnh viễn cam đoan với anh là lòng em không thay đổi không?"
Bươm bướm, sau khi giải thích lại giải thích, cam đoan lại cam đoan, cuối cùng vẫn bất đắc dĩ nói:
- "Giả sử tình yêu của chúng ta được thiết lập trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau, quy tắc căn bản là không cần phải hứa gì cả. Bởi vì, bản thân của tình yêu chính là một cách hứa rồi vậy".
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Tôi có một cô học trò nhí nhảnh dễ thương, đã hỏi tôi: "Thưa thầy, anh ấy đã hứa với con là yêu con suốt đời, bây giờ anh ta đi cặp bồ với cô gái khác, như vậy anh ấy có tội không?"- Tôi trả lời: "Có chứ, tội...nói láo".
Đúng là tội nói láo, còn mức độ nặng nhẹ thì phải để lương tâm của anh ta và Thiên Chúa xét đoán. Đây không phải là một lời hứa long trọng của bí tích hôn phối được cử hành trong nghi thức hôn phối của Giáo Hội Công Giáo, có sự chứng kiến của linh mục và cộng đoàn, cho nên anh ta chỉ mắc tội nói dối người bạn gái dễ thương của mình mà thôi.
Bản thân của tình yêu là một lời hứa.
Bởi vì:
Một tu sĩ khi chưa chính thức khấn công khai, mà đã tuân giữ và sống những lời mình sẽ khấn vì yêu hội dòng và luật dòng, thì cũng là -đối với Thiên Chúa- coi như là đã khấn, lời khấn công khai chỉ là công thức và hợp thức hoá theo giáo luật.
Trái lại, một tu sĩ đã tuyên khấn (tạm hay trọn đời) mà không giữ lời khấn thì -trước mặt Thiên Chúa- coi như là không có khấn vì không yêu mến luật dòng, mà lại mắc thêm tội và gây ra gương mù gương xấu cho cộng đoàn và cho các giáo hữu.
Mỗi người Ki-tô hữu đều có hứa từ bỏ ma quỷ khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, nhưng trong cuộc sống hằng ngày có lẽ chúng ta quên mất lời hứa ấy, và người ngoại đạo cũng chẳng thấy chúng ta hứa từ bỏ ma quỷ khi chúng ta cứ làm những điều trái với tinh thần Phúc Âm.
Nhưng qua đời sống thánh thiện đạo đức, qua việc làm bác ái yêu thương của chúng ta, thì chắc chắn mọi người sẽ nhận biết chúng ta là con cái Thiên Chúa.
Bản thân của tình yêu là một lời hứa rồi vậy.
Trở lại mục lục bài viết

8. ĐẸP NHẤT VÀ XẤU NHẤT

Hướng dương hỏi:
- "Trên đời thứ gì đẹp nhất?"
Đấng tạo hóa hoàn toàn không do dự, trả lời:
- "Tâm hồn".
- "Như vậy thì thứ gì xấu nhất?"
- "Cũng là tâm hồn".
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Chỉ có Thiên Chúa là lành thánh tốt đẹp.
Chỉ có ma quỷ là xấu xa đê tiện.
Và con người chỉ có một tâm hồn.
Thiên Chúa rất yêu thương con người, và luôn muốn cư ngụ trong tâm hồn của con người, để ban ơn, để thánh hoá, để dạy dỗ...
Ma quỷ cũng khoái ở trong tâm hồn của con người, nhưng không phải là để ban ơn ích gì cả, mà thích ở, chẳng qua là ghen ghét Thiên Chúa mà thôi.
Như vậy tâm hồn của chúng ta là "bãi chiến trường" giữa thiện và ác.
Nếu chúng ta về "phe" của sự thiện, thì chiến đấu với sự ác bằng các vũ khí như: cầu nguyện, hy sinh, tham dự thánh lễ, rước lễ.
Nếu chúng ta về "phe" ma quỷ, tức là sự ác, thì khỏi chiến đấu làm chi cho mệt, vì chúng ta đã thua rồi, đầu hàng rồi.
Vậy, xấu cũng là ta, mà tốt cũng là ta chứ còn ai nữa!
Trở lại mục lục bài viết

9. HOA PHONG TÍN TỬ MẤT HỒN

Phong tín tử bị lún trong ái tình mật ngọt, mỗi ngày trong đầu óc nó luôn nghĩ đến hình dáng đẹp đẽ của con bươm bướm, miệng nó luôn tỉ tỉ tê tê những điều toàn là về con bướm. Người bên cạnh chịu không được, tức cười nói:
- "Quái lạ, người này làm gì mà giống như mất hồn vậy?"
Đấng tạo hóa cũng cười nói:
- "Khi con đã yêu, thì tình yêu liền hình thành một xiềng xích vô hình, bắt con ràng buộc trong thành trì nho nhỏ. Ngoài việc yêu bản thân ra, thì con không nhìn thấy người nào khác!"
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Bạn đã thấy người ta thất tình chưa ?
Còn tôi thì thấy rồi.
Khi thất tình thì người ta đầu tóc rũ rượi, áo quần xộc xệch, mặt mày ngơ ngơ ngác ngác, miệng luôn nói lảm nhảm những câu mà thường ngày họ hay nói với người yêu v.v... lại còn khóc, cười, hát hò thất thường. Tóm lại, họ là những con người đáng thương.
Tại sao họ thất tình?
Thưa, là vì họ đã bị người yêu ruồng bỏ, nói văn hoa hơn là họ bị phụ tình, người mà họ đã trao cho tất cả con tim, trao cho cả tình yêu giờ đã cao bay xa chạy theo mối tình khác. Người yêu là hạnh phúc, là niềm vui, là cuộc sống, mà con người sống là nhờ những yếu tố ấy, bây giờ những thứ ấy không còn nữa thì làm sao mà sống chứ ?
Họ đã thất tình vì họ đã quá đặt tin tưởng vào người mà họ yêu.
Thất tình, nói theo tâm lý học thì là trạng thái mất quân bình của tâm sinh lý, thế thôi, thật đơn giản.
Thánh Phao-lô đã không vì thập giá mà điên đó sao ? Ngài nói ngài yêu thập giá đến điên rồ! Nhưng cái điên của thánh Phao-lô là cái điên hạnh phúc, điên vì đựơc yêu khi mình không đáng để được yêu.
Một anh chàng nhà quê mà đựơc một công chúa yêu, thì quả là sung sướng phát điên lên đi chứ, hoặc một người mang án tử mà được khoan hồng thì sung sướng như điên phải không nào ?
Và như thế thì chúng ta -những người Ki-tô hữu- cũng là những kẻ điên, vì chúng ta chẳng đáng đựơc yêu mà lại đựơc yêu vô cùng; chúng ta là những tử tội nhưng được khoan hồng, lại còn được gọi Thiên Chúa là cha nữa chứ !
Đối với thế gian, họ cho rằng chúng ta là những tên điên điên khùng khùng, bởi vì họ thấy chúng ta yêu thương kẻ ghét mình, làm ơn cho những kẻ bắt bớ đánh đập mình, lại còn cầu nguyện cho họ nữa...
Đúng là cái điên hạnh phúc!
Trở lại mục lục bài viết

10. CON NHỆN TÁM CẲNG

Con ngỗng hỏi con nhện:
- "Anh có rất nhiều chân, mỗi lần đi thì sử dụng chân nào trước?"
Nhện không hiểu, nói:
- "Tôi có tám cái cẳng sử dụng cùng một lúc".
- "Anh sai rồi"- con ngỗng bắt đầu dạy bảo, khuyên nhủ hết nước hết cái, rồi nói tiếp: "Anh nên có kế hoạch cho tốt, muốn đi đến chỗ nào, đi đường nào xa đường nào gần, lại quyết định sử dụng chân nào đi trước, tức là đã có tiết kiệm thể lực, lại không đến nỗi tự mình làm rối loạn tiền tiêu trận địa của mình".
Con nhện suy nghĩ liền cảm thấy có lý, bèn quyết định tuân theo lời dạy của con ngỗng.
Kết quả phát hiện là: mỗi khi cất bước, không phải giữa chân với chân không phối hợp, mà là giữa chân với chân đánh nhau, làm cho nó không nhích chân được một bước, buồn khổ quá chừng, chỉ có cách là hướng về Đấng tạo hóa mà cầu cứu.
Đấng tạo hóa cười lớn, nói:
- "Con nên quên mất cái chân của mình đi".
Con nhện có tám cái cẳng, làm thế nào để quên mất chứ ? Nó càng nghĩ càng buồn rầu, quyết định nên điền [cái chân] vào cái bụng là chủ yếu, đúng lúc ấy, nó nhìn thấy một con ruồi bay qua, con nhện chuyển thân chồm qua, mới phát hiện mình bản lĩnh linh hoạt, sử dụng chân nào trước một chút cũng không quan trọng.
Con nhện không còn nghĩ đến vấn đề của cái chân mà con ngỗng cứ cho rằng nó dạy đúng cách.
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Trời đã sinh ra như thế rồi, cái gì cũng có ích cho mình cả, sao lại chặt bỏ đi ?
Mỗi bộ vị trong thân thể đều phối hợp đến mức tuyệt vời, mà chẳng có nhà khoa học nào làm được đến mức hoàn hảo như thế.
Con nhện không có lập trường, nó không biết công dụng của cái chân nó hay sao? Biết chứ, nhưng con ngỗng nói hay quá, có lý quá nên nó quên mất lập trường của mình.
Chúng ta đã tìm được lời Thiên Chúa là lời ban sự sống, chúng ta đem lời Chúa ra thực hành trong cuộc sống, nhưng ma quỷ đã cám dỗ chúng ta, khuyên chúng ta hãy ăn chơi cho thoả thích, hãy tìm kiếm danh lợi trước, từ từ rồi hối cải, Chúa rất nhân từ không phạt liền đâu mà sợ.v.v...
Thế rồi chúng ta nghi ngờ về sự sống đời đời, nghi ngờ về sự hiện hữu của Thiên Chúa, thậm chí có lúc chúng tra buông trôi cho cuộc sống đẩy đưa, mất cả niềm tin.
Giữ vững lập trường, không nghe lời thế gian, không tranh cãi, nhắm mục tiêu là nên thánh mà tiến tới, đó là mục đích ưu tiên và bắt buộc của chúng ta khi còn sống ở thế gian này.
Chúa vẫn ở với chúng ta!
Trở lại mục lục bài viết

Lm. Giuse Maria Nguyễn Nhân Tài, csjb.
Sưu Tập