Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Câu chuyện & suy tư 05

Bình chọn:
{[['']]}

41. RÙA THỎ CHẠY THI

Con rùa chạy thi với con thỏ, (rùa) say mê trong chiến thắng.
Ngày hôm ấy, nó lại hẹn với thỏ thi đua, từ điểm xuất phát cùng bò về phía trước, rùa bò đến nửa đường nhưng nó không thấy thỏ ngủ gục ở đây, trong lòng nó có chút buồn bực: "Cái ông anh này không phải xưa nay thích ngủ gục giữa đường sao ? Tại sao hôm nay không thấy bóng dáng đâu cả chứ?"
Con rùa bò ố bò ô, thật không dễ dàng, khi bò tới điểm cuối thì đã thấy thỏ sớm ở đó rồi, đang ngồi nghỉ ngơi vừa ăn uống vừa để đợi nó.
Rùa buồn thiu nói:
- "Thường ngày không phải anh ngủ gục giữa đường hay sao ? Làm thế nào mà khi nhảy về lại mau như thế chứ, báo hại tôi bị thua rồi"
Thỏ cười to ha ha:
- "Ông anh này, thiên hạ làm gì có chuyện nhất thành bất biến chứ..."
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Chuyện thỏ và rùa chạy thi thì ai cũng biết là thỏ bị thua và rùa thắng. Thỏ thua là vì ham chơi, rùa thắng là vì ăn gian.
Thời Đông Chu liệt quốc, quân nước Tấn đánh thắng quân nước Tề, đuổi tới tận đất Viên. Vua nước Tề sợ quá mới sai thuộc hạ là Quốc Tá đi cầu hoà. Nguyên soái nước Tấn là Khước Quắc đã từ chối giảng hòa, Quốc Tá nói:
_ "Nguyên soái chớ có khinh nước Tề tôi quá ! Nước tôi dẫu bị thua một trận, nhưng chưa lấy gì làm tổn hại cho lắm, nguyên soái không cho hoà thì chúng tôi xin thu thập quân mã, cùng với nguyên soái quyết chiến một trận. Một trận không được thì hai trận, hai trận không được thì ba trận, nếu ba trận cũng không được, thì bấy giờ cả nước Tề tôi là của nước Tấn..."
Quốc Tá nói xong liền lui ra, Quí Tôn Hàng Phủ và Tôn Lương Phu ở màn sau nghe nói, chạy ra bảo Khước Quắc rằng:
_ "Làm như thế thì nước Tề giận ta quá lắm, tất cố sức mà đánh, không lẽ ta thắng mãi, chi bằng ta theo lời cho giảng hoà thì hơn".
Trong cái chết có cái sống.
Quân đội nước Tề quyết chiến vì biết trước đánh cũng thua, không đánh cũng thua, thà thua trong vinh quang.
Nước Tấn có hai người hiểu thời cơ nên đã ngăn cản kịp thời cuộc chiến đổ máu.
Hôm nay anh thắng, ngày mai tôi thắng, thắng bại là chuyện thường tình, nhưng cái "đạo lý" của nó là ở chổ: "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng".
Rùa đã thua cách đau đớn, vì đã quên mất hai yếu tố trên:
Nó quên rằng nó bò rất chậm, nó không biết mình.
Nó cũng quên rằng thỏ chạy rất nhanh, nó không biết người.
Lại còn yếu tố phụ nữa là nó tự mãn, say men chiến thắng trước đó...
Con người ta thường chết trong chiến thắng.
Trở lại mục lục bài viết

42. CON SÂU RÓM QUÁ XẤU

Có một con sâu róm đi qua trước mặt con trâu, con trâu la lớn: "Trời ạ, nó xấu quá".
- "Không, nó rất đẹp"- Đấng tạo hóa nói.
- "Ngài thật cảm thấy nó rất đẹp ư?"- Con trâu nghi ngờ và chán ngán, nói tiếp: "Ngài coi, toàn thân nó toàn lông là lông, béo phệ ụt ịt, muốn tởm lợm bao nhiêu thì tởm lợm bấy nhiêu ".
- "Bé con, con nhìn vẻ bên ngoài của nó, còn Ta nhìn vẻ bên trong của nó".
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Tôi ghê nhất là con sâu, mà sâu róm lại càng rùng mình ghê hơn nữa, nếu có ai đem nó doạ tôi, thì tôi phải chạy xa mười mét, vậy mà nó sẽ trở thành "nàng bướm" đẹp không chê vào đâu được.
Có người khi nghe nhắc tới "chị em ta" thì khinh bỉ chịu không nỗi, nhất là các ông bà được gọi là đạo đức thánh thiện, trong đó cũng có các linh mục, bà xơ cũng "nhìn không nổi" các cô gái ấy. Nếu các linh mục có nghiên cứu qua môn xã hội học thì chắc là hiểu rõ tâm lý và hoàn cảnh của các cô gái ấy hơn, để giúp cho họ tìm một lối thoát trở về hội nhập với mọi người; nếu các bà xơ cũng bỏ đi ánh mắt nghiêm khắc mà đến với họ, thì dễ dàng giúp họ tìm lại phẩm giá của mình.
Chúa Giê-su không kết án ném đá người phụ nữ ngoại tình như các kinh sư và biệt phái, Ngài cũng chẳng tránh né khi cô Maria Magdala xức dầu thơm nơi chân Ngài. Và rồi Magdala đã trở lại với con đường thánh thiện, người phụ nữ ngoại tình cũng an lòng ra đi.
Chúa Giê-su cũng đã không ngần ngại đồng bàn dự tiệc với những người thu thuế, mà đối với những kinh sư, biệt phái, họ là những phường tội lỗi. Và hiệu quả thì như thế nào ? Gia-kêu lùn đã bồi thường thiệt hại gấp đôi cho những người bị ông làm khó dễ, Gia-kêu đã trở thành một con người hoàn lương.
Chúng ta thường nhìn vẻ bên ngoài để đánh giá cái giá trị bên trong tâm hồn của một con người.
Bên ngoài con sâu róm quả là tởm lợm, nhưng khi lột đi cái ghê cái tởm lợm ấy đi, thì nó biến thành con bướm đẹp tuyệt vời.
Maria Magdala đã lột bỏ cái vỏ đĩ điếm xấu xí, cô đã trở thành trợ tá đắc lực cho công việc tông đồ của Chúa
Một anh Gia-kêu lùn, một người trộm lành, một Magdala... đã trở thành những người hữu ích cho đời. Và một cô gái bán thân hôm nay, một em bé bụi đời hôm kia, cũng sẽ trở thành những người hữu ích cho xã hội, cho Giáo hội mai sau, nếu chúng ta -những người Ki-tô hữu được gọi là đạo đức hoặc may mắn- quên đi dáng xấu xí bên ngoài của họ, mà nhìn cái đẹp bên trong của những tâm hồn ấy.
Hãy tập nhìn mọi sự bằng cái nhìn yêu thương và tích cực của Thiên Chúa.
Trở lại mục lục bài viết

43. CON NGÀI VÀ CON BƯỚM

Con ngài ấm ức, bất bình, kháng nghị với Đấng tạo hóa:
- "Cùng thuộc về côn trùng loại bộ cánh vảy, chủng loại ngài chúng con so với bươm bươm cũng nhiều gấp chín lần hơn, nhưng lại không nhận được sự coi trọng của ngoại giới, nói toạc móng heo ra: chẳng qua là vì chúng con lớn lên không được xinh đẹp. Ngài có thể nặng cái này mà nhẹ cái kia như thế ư?"
Đấng tạo hóa trả lời:
- "Bé con thân yêu ạ, con biết không, trong toàn bộ sinh thái, vai trò mà con gánh vác thập phần quan trọng, không phải bất cứ sinh vật nào khác có thể giành giật và thay thế được. Hơn một nửa sinh hoạt của con là ban đêm, do đó, dáng vẻ bên ngoài xinh đẹp đối với con hoàn toàn không quan trọng, cái quan trọng là những thực vật nào nở vào ban đêm, đều phải nhờ con để truyền thụ phấn hoa".
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Trong thân thể con người, phần nào cũng quan trọng, bộ vị nào cũng quan trọng và có ích lợi, không một bộ phận nào thay thế cho nhau được, và cũng không khinh không trọng bộ phận nào cả. Điều này ai cũng biết.
Nhưng có một điều mà không mấy ai biết, hay biết mà không thèm nghĩ tới, đó là mỗi một con người sinh ra trên mặt đất này đều có giá trị như nhau, có quyền bình đẳng như nhau, và quan trọng nhất là có bổn phận xây dựng thế giới này ngày càng tốt đẹp như ý muốn của Thiên Chúa, và đó là điều đáng nói.
Mỗi người tuỳ theo khả năng Thiên Chúa ban cho mà góp sức.
Đừng mặc cảm mình kiến thức không bằng ai mà không góp sức, nhà bác học không thể đổi công việc của mình cho bác nông dân; cô thợ may xinh đẹp không thể đổi công việc của mình cho chị kỹ sư; trẻ em không thể gánh vác công việc của người lớn; dì phước không đem công việc phục vụ của mình "bàn giao" cho anh công nhân; linh mục không đem bổn phận mục tử của mình gán cho một giáo sư...
Vậy thì có học thức hay không, có danh vọng địa vị hay không, đều không cần thiết khi phục vụ, cái cần thiết là tâm hồn có nhiệt tình phục vụ hay không mà thôi.
Đừng mặc cảm thua thiệt, bởi vì trước mặt Thiên Chúa mình cũng có một giá trị mà không ai có thể thay thế được.
Trở lại mục lục bài viết

44. BAY

Con chim cuốc kháng nghị với Đấng tạo hóa:
- "Trong các loài chim mà Ngài sáng tạo, lại sao có loại có lông cánh xinh đẹp, có loài thì tướng mạo khó coi, rất là không công bằng ạ!"
Đấng tạo hóa trả lời như than thở:
- "Điều con nói đó với chuyện biết bay có quan hệ gì chứ?"
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Thiên Chúa dựng nên mọi sự và Ngài thấy chúng đều tốt lành.
Chuyện đẹp hay xấu nó chẳng quan hệ gì với sự tốt lành cả, con giun đất nó xấu xí như thế nhưng lại làm cho đất tơi xốp, không phải là tốt lành sao ?
Chim sơn ca hót hay như thế, bộ lông nó cũng đẹp, không phải là tốt lành sao ? Mọi sự đều tệ hại đi sau khi nguyên tổ chúng ta phạm tội. Nhưng sự tệ hại ấy đã được Chúa Giê-su xuống thế làm người, lấy máu thánh của mình để rửa sạch tội lỗi của nhân loại và làm cho nó trở nên tốt lành hơn.
Đẹp xấu bên ngoài không quan trọng, tốt lành bên trong tâm hồn mới là quan trọng.
Đẹp xấu là do cái tâm của mình.
Trở lại mục lục bài viết

45. SAU KHI TRÈO LÊN ĐỈNH NÚI

Chó sói đã hao tổn nhiều sức lực mới thật không dễ dàng trèo lên đỉnh núi, nó nhìn xuống, nhà cửa chi chít, cất giọng ngạo mạn: "Chả trách người xưa đã nói, đứng trên núi Thái sơn mà nhìn thì thấy thiên hạ quá nhỏ, rốt cuộc hôm nay ta cũng hiểu được ý nghĩa của câu nói này".
Nói chưa dứt, thì từ xa xa truyền lại thanh âm như sấm đánh: "Mày nói sai rồi, với ta mà nói, thì mày vẫn còn ở dưới chân núi ấy".
Chó sói ngẩng đầu lên, một ngọn núi cao to đồ sộ đang đứng sừng sững sau lưng nó, ngay cả một góc trời đều bị che lấp, chó sói nhìn nhìn chỗ mình đứng, ngờ vực không hiểu, bèn hỏi:
_ "Như vậy xét cho cùng, bây giờ tôi đang đứng trên đỉnh núi, hay là ở dưới chân núi?"
Núi lớn cười ha hả một hồi rồi nói:
_ "Cái này thì cần phải coi mày nhìn lên hay nhìn xuống!"
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Người ta hay nói: núi này cao còn có núi khác cao hơn, bàn tay có ngón ngắn ngón dài, người giỏi thì có người giỏi hơn.
Con chó sói chỉ mới trèo lên một ngọn núi, mà cứ tưởng là cao nhất thiên hạ, ai dè lại có ngọn núi cao to hơn, lớn hơn đang ở phía sau nó.
Có người đi học chỗ này một chút, chỗ kia một chút, coi sách hai chút, gộp tất cả các chút ấy lại, phần căn bản chưa xong, vậy mà đi đâu cũng muốn tỏ ra mình là người giỏi nên coi ai không ra gì, thậm chí phê bình lung tung tác giả này, nhạc sĩ nọ, giáo sư kia. Hay lăng xăng trước mặt mọi người, làm trò cười cho thiên hạ, đó là hạng người mà tâm lý học phân loại là "năng động", thích làm chuyện cho người ta để ý.
Cái tội nghiệp của người kiêu ngạo là ở đó, lên không được mà xuống cũng không xong, nhưng thực ra lên xuống cũng do tâm hồn họ mà ra, nếu họ khiêm tốn nhận mình còn cần phải học hỏi nhiều, thì là một may mắn cho cơ hội tiến thân của họ.
Chuyện kể rằng: "Vì nhu cầu cần có bài hát để ca tụng Thánh Tâm Chúa Giê-su, người ta mời hai vị linh mục nổi tiếng đạo đức, uyên thâm thần học và yêu mến Thánh Thể cách đặc biệt để sáng tác lời thơ chúc tụng Thánh Thể,đó là thánh Tôma Aquino và thánh Bônaventura. Khi thánh Tôma đọc cho ban tổ chức nghe, thì người ta thấy thánh Bônaventura đang cử động đôi tay dưới gầm bàn, lúc người ta mời ngài đọc tác phẩm của mình, thì ngài đưa hai tay lên trời- một đống giấy vụn- các cử toạ ngạc nhiên hết sức, ngài nói: "Cha Tôma viết hay quá, tuyệt với, không có gì có thể hay hơn nữa, nên con đã xé bài của con rồi..."
Thật là một nhân đức khiêm tốn tuyệt vời, người ta cũng nói rằng, nếu thánh Bônaventura không xé vụn tác phẩm của mình, thì kho tàng văn chương của Giáo Hội sẽ có thêm một tuyệt tác nữa, thật đáng tiếc và cũng đáng khâm phục thay.
Người khiêm tốn thật là người biết nhận ra những giới hạn của mình.
Trở lại mục lục bài viết

46. TRỜI NẮNG, TRỜI MƯA ĐỀU CHƠI KHÔNG VUI

Hoa cô đình báo oán Đấng tạo hóa, nói:
- "Mấy lúc trước mặt trời chiếu quá nóng thiêu đốt người đựơc, trong lòng sốt ruột không yên tâm. Mấy hôm nay thì vừa gió vừa mưa liên tục, khắp nơi đều ẩm ướt mốc meo cả, thời tiết hết sức xấu".
- "Bé con, Ta xem không phải là thời tiêt quá xấu, e rằng lòng con quá xấu mà thôi"- Đấng tạo hóa nói tiếp: "Giả như tâm trạng của con dịu mát, há bị mặt trời đốt cháy ? Giả như tâm trạng của con ôn hoà, lại há bị gió mưa ngược đãi sao ? Con nhìn thế giới bằng loại tâm hồn nào, thì thế giới sẽ hiện ra dáng dấp như thế ấy".
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Với người bi quan, chúng ta thường nói họ nhìn đời bằng cặp kính màu đen.
Với người lạc quan, chúng ta nói họ nhìn đời bằng cặp kính màu hồng.
Kính màu đen hay màu hồng chỉ là cách nói để diễn tả tâm trạng vui buồn của chúng ta mà thôi. "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Ngày tết vui như thế ấy mà cô bé học trò của tôi cái mặt cứ như là đám ma, hỏi ra mới biết là cô ta đã chia tay với bạn trai, vậy thì tết đối với cô bé ấy chỉ là: vui là vui gượng ấy mà...
Kính màu đen hay màu hồng cũng ám chỉ đến thành kiến trong lòng chúng ta.
Người Việt Nam chúng ta có thành kiến cho là người Tàu họ ăn ở không được ngăn nắp, vệ sinh, nhưng cứ qua Đài Loan mà coi, họ ngăn nắp vệ sinh hơn cả mình tưởng.
Chúa Giê-su đã bị thành kiến của người đồng hương vì họ cho rằng, Ngài chỉ là con bác thợ mộc Giu-se thì làm gì mà quyền phép, làm sao mà ăn nói dạy dỗ đựơc chứ, thế là Chúa Giê-su không thèm làm phép lạ cho họ...
Đôi lúc thành kiến của chúng ta cũng làm nghẹt tài năng của người khác, cũng con người ấy, năm trước khác, năm nay lại thay đổi hơn, chững chạc hơn, ăn nói bặt thiệp hơn, nhưng vì thành kiến nên chúng ta cứ coi thường họ như mấy chục năm về trước...
Cứ lấy mình mà suy ra, nếu ai cũng có thành kiến với mình, thấy mình đâu cũng chê bai này nọ, thử hỏi tâm trạng của mình như thế nào...?
Cứ nhìn đời, nhìn mọi người với cặp kính đơn sơ của tâm hồn, không màu mè gì cả, có phải là đời đẹp hơn không chứ ?
Trở lại mục lục bài viết

47. AI NHỚ MÃI KHÔNG QUÊN

Chim khách có giúp đỡ cho tha nhân, sau đó rất lâu, người nọ đối với chim khách vẫn cảm kích biểu lộ tình cảm. Chim khách không tránh khỏi dương dương tự đắc, nói:
- "Ngài coi, người ấy vẫn cứ nhớ mãi không quên ân đức của con".
Đấng tạo hóa thở dài nói:
- "Bé con, nhớ mãi không quên, chính là bản thân con đó".
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Giúp cho tha nhân mà kể lễ với mọi người, thì coi như là không giúp.
Giúp cho tha nhân mà có dịp là nhắc tới, tức là đòi người ta trả công.
Giúp cho tha nhân mà không nhận tiếng cảm ơn cuả họ là kiêu ngạo, là khinh bỉ họ.
Với tấm lòng thành giúp đỡ họ chỉ vì họ là con cái Thiên Chúa và cũng là anh chị em của tôi, đó mới thật sự là yêu người và nâng cao phẩm giá của tha nhân.
Người nghèo khổ, người cần giúp đỡ chung quanh chúng ta rất nhiều, nhưng mấy ai nhận được sự giúp đỡ chân thành như thế ?
Rất ít người nhận ơn rồi quên ơn, mà nếu họ có quên thì cũng chẳng "nhằm nhò gì mấy cái lẻ tẻ" ấy, bởi vì khi người ta quên ơn của mình đã giúp đỡ họ, thì Thiên Chúa lại nhớ những việc lành mà chúng ta đã làm cho tha nhân.
Đừng than vãn là họ quên ơn, cũng đừng buồn vì họ "ăn cháo đái bát", bởi vì khi chúng ta đong cho ai đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong lại cho chúng ta đấu ấy.
Không lỗ lã đâu mà sợ.
Trở lại mục lục bài viết

48. BA CÁI TAI CỦA THỎ

Có một con thỏ có ba cái tai.
Những con thỏ khác nhìn nó không thuận mắt, nên nhao nhao phê bình, nói:
- "Thật kỳ quái, chúng ta đều có hai cái tai, tại sao một mình anh lại có ba cái?"
- "Chắc chắn nó là một quái vật không bình thường".
- "Đúng, chúng ta không cần quái vật, đuổi nó đi, đuổi nó đi".
Để được sự đồng ý và tiếp nhận của chúng nhân, con thỏ ấy nhịn đau cắt đi một cái tai. Mấy năm sau, nó đi đến một khu rừng rậm khác, bổng phát hiện những con thỏ ở đây đều có ba cái tai.
Chúng nó hình như phát hiện ra người...ngoài hành tinh, vây quanh nó bình phẩm đủ điều:
- "Trời ạ, con thỏ xấu xí nầy ở đâu đến đây vậy ?"
- "Anh coi, nó thiếu một cái tai, chúng ta có bị truyền nhiễm không ?"
- "Thật tôi không thể chịu đựng khi ở cùng với loại thỏ như thế..."
Con thỏ nghi hoặc không hiểu gì cả, rốt cuộc có ba cái tai là bình thường hay là có hai cái tai mới đúng. Nhưng nó chỉ khẳng định duy nhất là: chỉ cần nó không giống với người khác, thì nhất định bị coi là khác loài, không được đón tiếp.
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Muốn vừa lòng ông chủ, những người làm công luôn nịnh hót để đánh mất nhân cách của mình.
Để cấp trên khen thưởng và để lấy lòng họ, các nhân viên thường che giấu cái tôi của mình, chịu lòn cúi, nịnh hót...
Con người ta khi đã đánh mất mình đi thì không còn là mình nữa, chỉ là những con người máy làm theo lệnh của cấp trên.
Vì quyền lợi cá nhân, vì địa vị, vì danh vọng, mà có rất nhiều người tự chặt bỏ đi sự can đảm, cương trực, ngay thẳng của mình.
Thánh Gioan Tiền Hô bị chặt đầu vì đã can ngăn những tội loạn luân lăng loàn của vua Hêrôđê, ngài đã không đánh mất sự cương trực của mình.
Thánh nữ Maria Gôretti đã bị đâm hàng chục nhát đao vì để bảo vệ sự trong trắng của mình.
Thánh Tôma Thiện thà chịu chết vì đạo Chúa, hơn là được quan gả con gái cho và được ra làm quan...
Bản chất người tu sĩ khi hoạt động tông đồ, khi học hành nghiên cứu, khi tiếp xúc, thì đừng để bị đánh mất vì những ham muốn không chính đáng với lời khấn của mình.
Trở lại mục lục bài viết

49. ĐIỂM KHỞI ĐẦU, ĐIỂM CUỐI

Chim sẻ hỏi:
- "Sự chết thật có nhiều sợ hãi không?"
Đấng tạo hóa trả lời:
- "Cái này con cần phải hỏi con, con đặt sự chết ở điểm khởi đầu hay điểm cuối ?"
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Nói đến sự chết ai mà không sợ, nhưng có những vị thánh không sợ chết, mà trái lại, ngày ngày các ngài đều suy gẫm về sự chết.
Nếu chúng ta đặt sự chết ở điểm khởi đầu, có nghĩa là chúng ta xác tín: "Chết không phải là hết, mà là bắt đầu cuộc sống mới", tức là cuộc sống vĩnh cữu với Thiên Chúa, thì không có gì đáng sợ hãi, bởi vì khi chúng ta đã xác tín như thế, thì chúng ta luôn tìm điều lành để làm và tránh điều ác
Còn nếu chúng ta đặt sự chết ở điểm cuối, có nghĩa là: chết là hết, thì thật là đáng sợ hãi, bởi vì khi chúng ta đặt sự chết ở điểm cuối thì chúng ta sẽ sống trong ích kỷ, không nghĩ đến sự chết và do đó mà dễ dàng sống trong tội...
Giáo Hội dạy chúng ta tin: sau khi chết thì có phán xét, phán xét rồi thì hưởng phúc thiên đàng đời đời, hay là bị án phạt hỏa ngục đời đời.
"Vì chính khi chết đi là lúc vui sống muôn đời..."

50. HOA HỒNG VÀ MÙA XUÂN

Hoa hồng nói:
- "Tôi chỉ có hoa vào mùa xuân".
Mùa xuân nói:
- "Mỗi ngày tôi nở hoa đều là mùa xuân".
(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")
Suy tư:
Hoa nở đúng mùa thì đúng rồi, chỉ sợ đúng mùa mà hoa không nở thì "hẻo" luôn, và nếu có hoa nào mỗi ngày đều nở, và mỗi ngày đều là mùa xuân thì đúng là lếu láo.
Vậy mà hoa nở mỗi ngày, và, mỗi ngày đều là mùa xuân thì có thật đấy, mỗi lần bạn thấy một cô gái đẹp cười, bạn sẽ nói: chà, nụ cười đẹp như hoa, hay là, cười tươi như hoa... Bạn thấy ai mặt mày tươi vui hớn hở thì nói: mặt tươi như mùa xuân...
Vậy thì chúng ta -những người Ki-tô hữu- mỗi người phải là hoa, phải là mùa xuân, để chúng ta đem nụ cười tươi như hoa, mặt mày rạng rỡ tươi cười như mùa xuân tặng cho đời cho người, như thế không phải là chúng ta làm cho bộ mặt thế gian này thêm đẹp hay sao, để những người bất hạnh biết cười trong đau khổ, để những người nghèo biết cười trong nhọc nhằn, để những người kiêu ngạo biết cười trong khiêm tốn sửa mình.v.v...
Mỗi người là một cánh hoa đem lại mùa xuân cho mọi người.
Đúng là một bức tranh đẹp tuyệt vời !

Lm. Giuse Maria Nguyễn Nhân Tài, csjb.
Sưu tầm
Trở lại mục lục bài viết