Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Câu Chuyện Từ 101 đến 110

Bình chọn:
{[['']]}

Mục lục


101. XẠ THỦ QUYẾT ĐẤU

Hai người xạ thủ chuẩn bị quyết đấu, thế là những người trong quán rượu ồn ào di động dành ra một không gian. Trong hai xạ thủ, một người thì lùn không đáng để mắt đến, nhưng lại là một xạ thủ chuyên nghiệp; người kia thì là một hán tử khỏe mạnh cao lớn, đột nhiên anh ta lên tiếng phản đối:
- "Đợi chút xíu, rất là không công bằng, bởi vì cái bia anh ta bắn khá lớn."
Anh xạ thủ lùn đề xuất ý kiến rất nhanh, anh ta nói với chủ quán:
- "Dùng phấn vẻ trên mình đối phương phạm vi hình thể con người của tôi, nếu viên đạn của tôi rơi ngoài phạm vi ấy thì bỏ không tính điểm."
(Bài ca của loài ếch)
Suy tư:
Đã là xạ thủ thì mục tiêu to nhỏ đều không thành vấn đề, và khi quyết đấu sống chết thì người xạ thủ lùn hay cao, nhỏ con hay to lớn thì lại càng không thành vấn đề, vấn đề là hành động rút súng nhanh và chính xác.
Đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu cũng vậy, trên đường tu đức thì người lớn người nhỏ không thành vấn đề, và người theo đạo lâu năm hay mới chịu bí tích Rửa Tội thì không thành vấn đề, vấn đề là yêu mến thực hành Lời Chúa và sống làm chứng nhân cho Tin Mừng hay không mà thôi. Bởi vì có nhiều người theo đạo lâu năm, gọi là đạo gốc đạo "dòng" nhưng cuộc sống của họ như người không có tín ngưỡng, nhưng có những người mới được Rửa Tội mà cuộc sống của họ như là người biết Chúa lâu rồi.
Ma quỷ khi "bắn" (cám dỗ) người Ki-tô hữu thì không coi người ấy là lớn hay nhỏ, là lùn hay cao, nhưng nếu người Ki-tô hữu càng đạo đức thánh thiện, thì ma quỷ càng gia tăng cám dỗ, càng yêu mến Chúa và càng làm gương sáng thì chúng nó càng "bắn" (cám dỗ) ác liệt hơn những người khác...
Vũ khi của người Ki-tô hữu khi quyết đấu với cám dỗ của ma quỷ là: cầu nguyện, đón nhận các bí tích, nhất là bí tích Hòa Giải và bí tích Thánh Thể, lần hạt Mân Côi.v.v...đó là những vũ khí rất hiện đại cho mọi thời đại của người Ki-tô hữu chúng ta.
Trở lại mục lục bài viết

102. GIA CỤ (1) PHONG BA

Gia cụ công ty gởi thông báo cho một khách hàng:
- "Kính gởi người nhận: nếu công ty chúng tôi lái một chiếc xe tải chở hàng đến nơi làm việc chở về tất cả dụng cụ gia đình chưa trả tiền; xin hỏi hàng xóm của các hạ sau khi nhìn thấy thì có cảm tưởng như thế nào ?"
Gia cụ công ty nhận được thư hồi âm như sau:
- "Kính gởi ông, bản thân tôi và hàng xóm đã thương lượng về chuyện này, và được kết quả như sau: họ nhất trí cho rằng, công ty này quá thấp kém và khắc khe đã làm ra tất cả những hành động đê tiện ấy."
(Bài ca của loài ếch)
Suy tư:
Có những công ty và siêu thị khắp nơi bên trong và bên ngoài đều kẽ hàng chữ rất lớn: khách hàng là thượng đế. Nhưng khi "thượng đế" cần hỏi giá cả, cần hỏi món hàng mình cần, thì được cô nhân viên phục vụ đẹp đẽ trả lời như chữi mắng: "Vào trong mà tìm, bộ không biết chữ hả ?" hoặc trả lời: "Tìm không có thì thôi, đi chỗ khác mà tìm.".v.v...
Khách hàng là "thượng đế", nhưng "thượng đế" thường bị mắng vốn, hoặc không được các nhân viên mặt mày son phấn đẹp trai đẹp gái nhưng có tâm hồn hách dịch kiêu căng ấy không tôn trọng họ.
Ở các công ty mua bán hoặc các siêu thị ở nước ngoài, người ta không treo tấm bảng "khách hàng là thượng đế", nhưng những nhân viên phục vụ rất vui vẻ, nhã nhặn, lễ độ với khách hàng, và nhẫn nại với những khách mua hàng khó tính. Tại sao vậy ? Thưa, vì họ được một sự giáo dục cao, các nhân viên của họ được giáo dục và huấn luyện có căn bản đối nhân xử thế...
Người Ki-tô hữu không gọi người khác là "thượng đế", nhưng họ nhìn thấy Chúa Giê-su ở trong người khác, nên họ luôn phục vụ, yêu thương và giúp đỡ mọi người.
(1) Công ty "bán đồ dung cụ gia đình."
Trở lại mục lục bài viết

103. CHUỒNG SƯ TỬ

Anh chàng say quắc cần câu ban đêm đứng bên ngoài công viên của thành phố, tay đập chân đá vào hàng rào công viên miệng la lớn:
- "Mau thả tớ ra."
Đây là bức tranh đẹp nhất miêu tả trạng thái của nhân loại.
(Bài ca của loài ếch)
Suy tư:
Người ham tri thức thì bị tri thức bịt mắt trước những thực tại của cuộc sống; người ham tiền bạc thì bị tiền bạc như những xiềng xích trói chặt không thể vùng vẫy trong hạnh phúc được; người ham danh vọng thì bị danh vọng trùm lấy đầu mình nên không thể nhìn thấy những bất công xảy ra chúng quanh mình; người ham quyền lực thì bị quyền lực nhốt kín trong những lệnh lạc, hiếp đáp, mà không biết quyền lực là để phục vụ mọi người...
Người say rượu đứng bên ngoài công viên đấm đá hàng rào đòi thả mình ra, thì giống như con sư tử bị nhốt trong chuồng gầm thét đòi ra bên ngoài vậy.
Nhân loại chiến tranh cũng vì bị lòng khao khát làm bá chủ thế giới, con người ta thường sinh ra chuyện tranh chấp là vì người có quyền lực không biết công bằng chính nghĩa là gì, và xã hội thường bất an là vì con người ta ai cũng như sư tử gầm thét trong chuồng danh lợi, tham lam, kiêu ngạo và hận thù...
Người Ki-tô hữu sống ở thế gian, kiến tạo cho thế gian, làm đẹp cho thế gian, nhưng không thuộc về thế gian, bởi vì quê hương đích thực của họ là ở trên trời, nơi có Chúa Giê-su ngự trị...
Ai hiểu thì hiểu !
Trở lại mục lục bài viết

104. GIÒNG SUỐI XANH TRONG SA MẠC

Một vị khách đi du lịch bị lạc trong sa mạc, điều lo lắng nhất là có tìm được nước uống hay không, anh ta leo từ ngọn đồi nhỏ này qua đồi nhỏ nọ, hy vọng có thể nhìn thấy một dòng suối nhỏ, mắt nhìn bốn phía nhưng vẫn cứ không thấy gì.
Khi leo qua ngọn đồi khác, vì không cẩn thận nên bị vấp cành cây khô mà té ngã, cú ngã này không thể nào đứng dậy được nên nằm trên đất, sức lực kiệt quệ, lòng tin cũng không có.
Bất lực cô độc nằm đó, nhưng trong một nháy mắt anh ta cảm nhận được sa mạc thật yên tĩnh, cảnh yên ắng tịch mịch bao trùm toàn bộ hoàn cảnh, không có bất kỳ động tĩnh nào. Đột nhiên, anh ta ngẫng đầu lên, có âm thanh, anh ta nghe được một tiếng âm thanh, một thấp thoáng yên tĩnh, thính lực cần phải nhạy bén sâu sắc mới có thể phân biệt được âm thanh: tiếng nước chảy nhè nhẹ.
Trong lòng nóng lên, hy vọng đầy tràn từ trong đất trào ra, tiếp tục đi về phía trước, cuối cùng thì đến nơi một giòng suối nhỏ xanh đang chảy róc rách.
(Bài ca của loài ếch)
Suy tư:
Thế gian là một sa mạc rộng mênh mông, tất cả mọi người đang cô độc đi trong ấy theo những ước muốn và hy vọng riêng lẻ của mình. Dù thế giới rất đông người, dù chúng quanh mình có rất nhiều người, nhưng họ vẫn cảm thấy cô đơn, vì trong sa mạc thế gian này, khó tìm được một giòng suối hạnh phúc chân thực để nghỉ ngơi nhấm nháp thưởng thức hạnh phúc; bởi vì trong sa mạc thế gian này đầy những ngọn đồi kiêu ngạo, ngọn đồi ghét ghen, ngọn đồi hà tiện bủn xỉn; bởi vì trong sa mạc thế gian này đâu đâu cũng có những khe đá vách sâu chết người, những khe đá tham lam, những vách đá dục vọng.v.v...làm cho con người ta vấp chân té ngã không gượng đứng dậy được.
Người Ki-tô hữu cũng đang đồng hành với tha nhân, với cộng đồng nhân loại bước đi trong sa mạc thế gian này, nhưng họ không cô độc lẻ loi vì có Chúa Giê-su cùng đồng hành với họ; vì Ngài chính là giòng suối xanh mát rượi làm cho tâm hồn của họ hạnh phúc, vui tươi...
Những lúc vấp ngã té nhào vì kiêu ngạo, vì ghét ghen, thì họ cầu xin ơn Chúa giúp để vùng đứng dậy với tâm hồn khiêm nhu; những lúc vùng vẫy giữa những khe đá tham lam, những vách núi dục vọng hưởng thụ nguy hiểm chết người, thì họ cầu xin Chúa soi sáng cho họ biết dứt khoác với tội lỗi, để đứng lên đi ra khỏi nơi ấy mà tiếp tục đi về phía nơi có Chúa Giê-su đang đợi...
Trở lại mục lục bài viết

105. GIẤC MỘNG CỦA QUÂN VƯƠNG

Ngày xưa ở Ấn Độ có một quân vương, đồng thời là một vị khôn ngoan.
Một hôm, nhà vua nằm trên một cái giường rãi đầy những đóa hoa mà ngủ trưa, bên giường có người hầu đứng quạt, bên ngoài cửa có thị vệ đứng canh gác. Sau khi ngủ say thì ông ta đi vào giấc mộng, trong mộng ông ta thấy nhà vua nước láng giềng đến chinh phục ông ta, bắt ông ta giam vào trong ngục và tra tấn, cuộc tra tấn mới bắt đầu thì nhà vua kinh hoàng tỉnh dậy, nhưng lại thấy mình vẫn còn nằm trên giường, người hầu vẫn quạt và thị vệ vẫn canh gác ngoài cửa.
Thế là an tâm ngủ tiếp, giấc mộng như trước lại xuất hiện, ông ta lại kinh hoàng tỉnh giấc, và lại phát hiện mình đang nằm ngủ an toàn trong lâu đài.
Nhà vua bắt đầu lúng túng, khi ngủ thì thế giới trong giấc mộng ấy hình như rất thực; khi tỉnh lại, cảm giác của thế giới ấy cũng lại rất thực. Trong hai hoàn cảnh ấy cái nào là chân thực chứ ? Ông ta muốn làm cho rõ chuyện này.
Nhà vua đi hỏi các nhà triết học, số học, nhà tiên tri, nhưng không có người nào có thể giải đáp rõ ràng cho nhà vua. Cứ thế liên tiếp mấy năm nhà vua không cách nào tìm ra đáp án, một hôm có người tên là không bình thường đến.
Lấy tên là không bình thường, bởi người này khi vừa sinh ra khỏi lòng mẹ thì hai cánh tay đã biến dạng. Mặc dù nhà vua tiếp anh ta nhưng không phấn khởi cho lắm, ông ta nói:
- "Nhà ngươi là một người không bình thường, làm sao có thể có khôn ngoan mà tất cả các học giả trong kinh thành của ta không có ?"

- "Từ nhỏ tất cả các con đường đều đóng lại với tôi, thế là tôi bèn nhất tâm đi sâu nghiên cứu con hẽm nhỏ của khôn ngoan."
- "Vậy thì trả lời câu hỏi của ta đi."
Người không bình thường trả lời như sau:
- "Tâu bệ hạ, sự việc khi tỉnh thức và sự việc trong mộng đều là không thật. Khi bệ hạ tỉnh thức thì thế giới trong mộng đều không tồn tại; khi bệ hạ nằm mộng thì cảm giác của thế giới không tồn tại, cho nên cả hai đều không thật."
Quân vương hỏi:
- "Thế giới tỉnh thức và nằm mộng đều không thực, vậy thì cái gì mới là thật ?"
- Có một loại tình trạng vượt qua hai loại kia, tìm được nó chính là chân thật."
(Bài ca của loài ếch)
Suy tư:
Người chưa được khai ngộ nhưng tự nhận mình là người tỉnh thức, loại này so với người ngu thì càng ngu hơn, bởi vì với người này thì họ nói là tốt, với những người kia thì nói là xấu, với hoàn cảnh này thì nói vui vẻ, với hoàn cảnh kia thì nói là bi ai.v.v...họ ngôn hành bất nhất.
Người tỉnh thức thật là người không nghĩ đến sống và chết, thành công hay thất bại, tiến hoặc lùi, vinh quang hay nhục mạ, nghèo hay giàu, bởi vì họ đã đặt mình như ngọn lá trong giòng nước, nước chảy đi đâu thì đi theo đó, họ thả tâm hồn mình trôi trong giòng sông cuộc đời, như lời thánh Phao-lô nói: "vui với người vui, khóc với người khóc, buồn với kẻ buồn", đó chính là sự tỉnh thức chân thật vậy.
Tỉnh thức chân thực chính là khai ngộ, họ thấy và cảm nghiệm được những vui buồn đau khổ hay hạnh phúc xảy ra chung quanh họ, không phải để trốn tránh hay oán trách, nhưng là chấp nhận và chia sẻ, bởi vì họ được tình yêu của Chúa Giê-su khai ngộ: nhìn thấy Ngài trong tất cả mọi người.
Tỉnh và mộng thì không giống nhau, tỉnh là thực tại, mộng là không không, cho nên người Ki-tô hữu luôn tỉnh thức để chờ đón Chúa Giê-su đến trong thực tại của cuộc sống, chứ không trầm đắm trong mộng...
Trở lại mục lục bài viết

106. NGƯỜI CHẾT KHÔNG NÓI

Ma-mi-ya trở thành thiền sư nổi tiếng, nhưng quá trình học thiền thì thật gian khổ. Sư phụ bắt ông ta giải thích tiếng vỗ một tay là âm thanh gì ?
Ma-mi-ya tận lực lĩnh hội tất cả như ăn uống tiết kiệm, ngủ ngắn thời gian, mục đích là có thể lĩnh hội được đáp án chân chính, nhưng sư phụ vẫn chưa mãn nguyện, thậm chí một hôm nói:
- "Con chưa cố gắng đủ, con vẫn sống rất thoải mái, vẫn rất thích những thứ tốt trong cuộc sống hằng ngày; con cũng rất muốn lĩnh hội nhanh nhanh đáp án. Con à, coi như con vẫn còn chết vậy."
Khi Ma-mi-ya từ giã sư phụ thì làm một động tác vui như diễn kịch vui, khi vỗ tay thì ngã xuống cả thân mình nằm dài trên mặt đất, không nhúc nhích động đậy như người chết. Sư phụ bèn nói: "Tốt, con chết rồi, tiếng vỗ một tay làm sao đây ?"
Ma-mi-ya giương to cặp mắt nói: "Con vẫn chưa lĩnh hội được điểm này."
Sư phụ giận dữ: "Đồ ngốc, người chết không nói được, cút đi."
(Bài ca của loài ếch)
Suy tư:
Thành công chân chính chỉ có một con đường là khổ luyện và nổ lực học tập làm việc.
Thành công mà không đổ mồ hôi, không dùng trí óc, không cố gắng là thứ thành công giả tạo, trước sau gì nó cũng trở thành mây khói bay vào khoảng không không.
Thời nay vì kinh tế khó khăn nên có tình trạng giả đò đi tu của một vài thanh niên nam nữ, mánh mung của họ là xin vào một nhà dòng nào đó, sống như những người khác trong dòng, được cho đi học đại học, nhưng sau khi tốt nghiệp thì nói với bề trên là mình không có ơn gọi, thế là ra về với mảnh bằng đại học mà không tốn một đồng xu, bởi vì nhà dòng lo cả rồi.
Chúng ta có thể che mắt mọi người, nhưng không thể che mắt Thiên Chúa; chúng ta có thể lừa dối lươn lẹo với tha nhân, nhưng không thể lừa dối Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi tâm hồn của con người.
Thiên Chúa sẽ không ban ơn cho những người dùng sự lừa dối để thành công, Ngài cũng không chúc lành cho những thành công của người dối trá không nổ lực làm việc...
Dùng nổ lực cố gắng để thành công, thì thành công mới đem lại vinh quang cho bản thân và cho mọi người. Bằng không thì sự thành công ấy như của người chết, không giúp gì cho ai cả, mà còn làm cho người khác sợ hãi.
Trở lại mục lục bài viết

107. A NAN ĐÀ NGỘ ĐẠO

An Nan Đà là em họ của Phật tổ và là một đệ tử nhiệt thành. Mấy năm sau khi Phật tổ viên tịch, các đệ tử họp đại hội lần thứ nhất, có người chạy đi báo cho A Nan Đà biết chuyện ấy, nhưng bởi vì ông ta đến nay vẫn chưa khai ngộ, nên không có quyền tham dự đại hội ấy.
Đêm trước khi họp đại hội ông ta vẫn chưa được khai ngộ, do đó mà quyết tâm cố gắng thâu đêm suốt sáng không đạt được mục tiêu thì không nghỉ ngơi, nhưng kết quả đạt được là sức cùng lực tận, mệt mõi rã rời.
Trước khi trời sáng thì bỏ cuộc đi nghỉ ngơi, toàn thân thoải mái, ý niệm tâm nguyện cái gì cũng không nghĩ tới, ngộ đạo hay không ngộ đạo cũng không thèm nghĩ đến, trí óc thoải mái vùi đầu vào gối ngủ, thoáng cái ông ta đã ngộ đạo.
(Bài ca của loài ếch)
Suy tư:
Ngộ đạo thì không giống như làm một bài toán học, phải vận dụng trí óc suy nghĩ phương trình này bậc căn nọ, nhưng chính là đem cái tâm đơn thuần yêu mến của mình để biết được đạo.
Đức tin của người Ki-tô hữu thì không những phải đem cái tâm đơn sơ, yêu thương và phó thác để đáp trả lại tình yêu thương của Thiên Chúa, mà còn phải tin rằng: mình "ngộ" được Thiên Chúa không phải do chính mình, nhưng là do Chúa Thánh Thần ban cho, để chúng ta biết được Chúa Giê-su là ai, đó chính là đức tin của chúng ta.
"Ngộ" tức là biết, không ai biết được Chúa Giê-su là Thiên Chúa nếu không được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, cũng không ai biết được Chúa Giê-su là ai nếu Thiên Chúa không ban đức tin cho họ, do đó, "ngộ" được Chúa Giê-su chính là nhờ đức tin vậy.
Cả loài người qua mọi thời đại đều nhìn thấy núi non, biển cả, nhìn thấy mặt trời mặt trăng và các tinh tú, nhìn thấy những bông hoa nhỏ xíu đẹp đẽ cho đến những cây cổ thụ to lớn trong rừng sâu, hoặc những kình ngư ngoài biển cả.v.v...nhưng hỏi có mấy ai biết được đó chính là do Thiên Chúa tạo dựng ?
Trở lại mục lục bài viết

108. MÚA BA-LÊ CẦU NGUYỆN

Thầy giáo và các đệ tử cùng ngồi trên ghế để coi, thầy giáo nói: "Các con đã nghe qua rất nhiều lời cầu nguyện, tự mình cùng đã cầu nguyện rất nhiều. Đêm nay thầy hy vọng các con hiểu biết một loại cầu nguyện khác."
Chính là lúc ấy chương trình đã mở màn, màn vũ ba-lê bắt đầu.
(Lắng nghe của loài ếch)
Suy tư:
Người Ki-tô hữu thường có thói quen cầu nguyện trong nhà thờ, và ít người có thói quen cầu nguyện mọi nơi mọi lúc.
Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, và đặc biệt ở trong tâm hồn của chúng ta, bởi vì tâm hồn của chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi ngự, do đó, ngoài nhà thờ ra, thì bất kỳ ở đâu chúng ta cũng có thể cầu nguyện với Chúa.
Có một vài linh mục đã nặng nề lên án các việc các linh mục khác đi coi kịch, coi múa ba-lê hay coi những tiết mục khác, bởi vì các ngài coi đó là chuyện của người đời, chứ không phải là của linh mục...
Coi phim, coi văn nghệ, coi múa ba-lê hay coi bất cứ chương trình nào cũng đều có ích, nếu chúng ta gạt bỏ những quan niệm xấu ra khỏi trí óc mình, mà thánh hóa, cầu nguyện và cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban cho chúng ta có những diễn viên, những nghệ nhân tài giỏi biểu diễn để chúng ta thưởng thức giải trí sau những giờ làm việc mệt nhọc...
Nghệ thuật là của Chúa vì Ngài là nhà sáng tạo vĩ đại, cho nên cần có những tâm hồn biết yêu mến và thưởng thức tình yêu của Chúa trong tất cả các loại nghệ thuật, đó chính là cầu nguyện vậy.
Trở lại mục lục bài viết

109. LẮNG NGHE ÂM THANH CỦA LOÀI ẾCH

Một đêm nọ thánh Bruno đang cầu nguyện, một con ếch trâu đang lớn tiếng kêu thật ồn ào, ngài muốn tìm cách để lỗ tai không thể nghe được, nhưng bất đắc dĩ không thể không nghe, nên chỉ biết đến bên cửa sổ lớn tiếng nạt: "Im đi, ta đang cầu nguyện."
Bruno đã trở thành một vị thánh, cho nên ngài chỉ ra lệnh một tiếng thì tất cả các động vật nhỏ ấy đều im tiếng, hình thành một không khí im lặng khi cầu nguyện.
Nhưng, lại có một ý niệm khác từ thâm tâm của thánh Bruno nổi lên, đánh gãy sự cầu nguyện của ngài: "Tiếng của ếch trâu không nhất thiết giống tiếng hợp ca của anh, nhưng cũng có thể làm vui lòng Thiên Chúa vậy." Thánh Bruno nhịn không được cười lớn nói: "Tiếng của ếch trâu Thiên Chúa nghe không lọt tai, chả trách." Nhưng tận đáy lòng của ngài, ý niệm ấy càng cương quyết hơn: "Ngài nghĩ như thế nào, tại sao Thiên Chúa tạo dựng nên loại âm thanh ấy ?"
Thánh Bruno quyết tâm theo đuổi đến cùng, ngài nhô người ra bên ngoài cửa sổ, hét lớn: "Xướng lên." Tiếng ếch trâu rộn ràng vang lên khắp bốn phía, và những con ếch vùng phụ cận cũng hòa kêu lên. Bruno nghiêng tai lắng nghe vậy mà không cảm thấy ồn ào. Ngài phát hiện một khi trong lòng không cự tuyệt thì tiếng kêu của ếch trâu vẫn thật có thể làm cho cảnh đêm tịch mịch tăng thêm nhiều cảnh sắc.
Có quan niệm ấy nên toàn bộ tâm hồn của thánh Bruno hòa lẫn với vũ trụ tương ứng, ngài lãnh hội được sự chân chính của cầu nguyện.
(Lắng nghe của loài ếch)
Suy tư:
Thánh Phan-xi-cô thành Át-xi-xi đã gọi mặt trời bằng anh, gọi mặt trăng bằng chị, thì dứt khoát là ngài đã cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa đang hòa lẫn trong vạn vật do chính Ngài tạo dựng.
Con người ta có linh hồn và có xác, cả hai đều có bổn phận phải tôn vinh Thiên Chúa trong cuộc sống của mình. Thân xác dùng tứ chi ngũ quan để tôn vinh, linh hồn dùng hết trí hết sức hết lòng để tôn vinh Thiên Chúa, mà tôn vinh cao cả nhất chính là sự cầu nguyện của những tâm hồn thiện chí ngay lành.
Có những cha sở giận dữ bạt tai trẻ em nói chuyện khi ngài đang cầu nguyện; có những cha sở cầm roi mây giấu sau lưng đi lùng các thanh thiếu niên đứng ngoài nhà thờ để đánh, vì họ đang đứng bên ngoài nhà thờ; có những ông bà trùm bạt tai lôi xềnh xệch các cháu thiếu nhi khi chúng nó ngủ gục trong nhà thờ...
Nếu chúng ta biết cầu nguyện thì sẽ thấy trẻ em ngủ gục trong nhà thờ rất dễ thương, vì chúng nó ngủ trong nhà Chúa; nếu chúng ta biết cầu nguyện, thì chúng ta sẽ nhắc các em thay vì nói chuyện ồn ào với nhau, thì hãy nói chuyện với Chúa Giê-su đang ngự trong nhà tạm; nếu chúng ta biết cầu nguyện, thì chắc chắn chúng ta sẽ nhìn thấy tất cả mọi người cũng đều thích thú đến với Chúa Giê-su, nếu chúng ta biết kiên nhẫn và yêu thương hướng dẫn họ...
Tiếng ếch nhái cũng là lời ca vang chúc tụng Thiên Chúa của chúng nó vậy. Các thánh nam nữ đã cảm nghiệm được tất cả vũ trụ vạn vật đều có bổn phận chúc tụng và cám tạ Thiên Chúa.
Còn chúng ta -người Ki-tô hữu- thì sao ?
Trở lại mục lục bài viết

110. NGÓN CHÂN CỦA ALA

Một người Hồi giáo thuộc phái phiếm thần đi đến Maica để hành hương, vì đi đường xa mệt nhọc nên khi đến thành phố thì anh ta bị té xỉu bên đường. Đang khi anh ta ngủ thì có một âm thanh to lớn giận dữ làm anh ta thức dậy: "Giờ phút này, tất cả các tín đồ đều đang đi đến Maica cúi đầu cầu nguyện, nhưng ngươi lại đem hai chân hôi thối của ngươi đưa hướng về nơi đất thánh ! Mày là tín đồ Hồi giáo nào vậy ?"
Tín đồ của phiếm thần luận không hề nhúc nhích, chỉ mở trừng hai con mắt, nói: "Này huynh, huynh có thể giúp tôi được không, đem chân của tôi nhích qua một chỗ không hướng về chân chúa Ala, được chứ ?"
(Lắng nghe của loài ếch)
Suy tư:
Thánh địa Maica là nơi hành hương của người Hồi giáo, là nơi mà chân chúa Ala ngự giữa con cái của ngài, ngài nghiêm khắc với tất cả những ai có hành vi phỉ báng vô phép với ngài.
Nhà thờ là nơi Thiên Chúa ngự giữa con cái của Ngài, là nơi có Chúa Giê-su ngự thật trong nhà tạm, Ngài vẫn đợi chờ chúng ta đến với Ngài để chúc tụng, trò chuyện, cầu xin và cám ơn. Chúa Giê-su không nghiêm khắc với người tội lỗi nhưng rất mực yêu thương, Ngài đi tìm những đứa con hoang đàng để an ủi và chữa lành, Ngài chiếu soi tâm hồn của họ bằng Lời của Ngài qua lời giáo huấn của Giáo Hội, và ban cho họ lương thực hằng sống là Mình và Máu thánh của Ngài...
Thiên Chúa không nghiêm khắc với con cái Ngài, nhưng Ngài rất công bằng; Thiên Chúa không giận dữ với con cái của Ngài, nhưng Ngài rất nhân từ; Thiên Chúa không kết án con cái của Ngài, nhưng những ai phạm tội xúc phạm đến Ngài và tha nhân thì chính họ sẽ tự mình hổ thẹn và tự xa cách Thiên Chúa của mình...
Trở lại mục lục bài viết
Ai hiểu thì hiểu.

Lm. Giuse Maria Nguyễn Nhân Tài, csjb.
Sưu tập